'Chốt' phương án học phí đại học: Phù hợp thực tiễn, hài hòa lợi ích

05/01/2024, 06:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc các trường được tăng học phí so với năm học 2022 - 2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81 là hợp lý...

Điều chỉnh này góp phần tháo gỡ khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học, nhất là sau nhiều năm không tăng học phí do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây được coi là giải pháp hợp lý, “nhất cử lưỡng tiện” vì cả người học và cơ sở đào tạo đều được thụ hưởng chính sách nhân văn của Nhà nước. “Trên cơ sở Nghị định 97, tới đây nhà trường xây dựng mức thu học phí cụ thể. Sau đó thông báo công khai, rộng rãi đến người học”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thông tin.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh) khẳng định, nhà trường sẽ chấp hành nghiêm túc Nghị định 97 của Chính phủ. Trước đó, nhà trường thông báo tạm thu 16 triệu đồng/sinh viên/năm học. Tới đây, nhà trường sẽ xây dựng mức học phí theo quy định của Nghị định trên.

Theo Nghị định 97, mức trần học phí với các trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 khoảng 1,2 - 2,4 triệu đồng/tháng (tùy khối ngành). Mức thu hiện nay là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng/tháng.

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4 - 6,1 triệu đồng/tháng trong năm học 2023 - 2024. Sau 5 năm, mức trần này tăng lên 3,4 - 8,75 triệu đồng/tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, các đơn vị được tự xác định học phí.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tổng thể, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 81 để xác định lộ trình học phí phù hợp, đảm bảo thực hiện tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và quy định về tự chủ tài chính.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, đảm bảo chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; chính sách phổ cập giáo dục, phân luồng ở cấp phổ thông.

Năm học 2023 - 2024, nếu không có quy định mới về mức học phí sẽ áp dụng theo mức trần học phí quy định tại Nghị định 81. Theo đó, mức thu học phí sẽ tăng khá cao so với năm học 2022 - 2023.

Vì vậy, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP để điều chỉnh lộ trình học phí phù hợp. Ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP về nội dung này.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chot-phuong-an-hoc-phi-dai-hoc-phu-hop-thuc-tien-hai-hoa-loi-ich-post667315.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chot-phuong-an-hoc-phi-dai-hoc-phu-hop-thuc-tien-hai-hoa-loi-ich-post667315.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Chốt' phương án học phí đại học: Phù hợp thực tiễn, hài hòa lợi ích