“Ở lần lọc ảo đầu tiên có nhiều biến động nhưng đến lần thứ 2 – 3 - 4 thì mức điểm chuẩn, số lượng trúng tuyển chỉ biến động nhẹ” - Luật sư Trịnh Hữu Chung thông tin đồng thời cho rằng: Các trường cơ bản đã đưa ra được mức điểm chuẩn năm nay. Ở lần lọc ảo thứ 5, thứ 6 gần như sẽ sát với điểm chuẩn cuối cùng. “Điểm chuẩn ở hầu hết ngành của Trường ĐH Gia Định đều tăng so với năm 2021, biên độ dao động khoảng từ 1 – 1,5 điểm” - Luật sư Trịnh Hữu Chung nhận định.
Luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho hay, lần lọc ảo thứ 4 của trường gần như không có sự thay đổi nào so với lần 2 và lần 3. Quy trình lọc ảo diễn ra suôn sẻ theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh dần hoàn tất các công đoạn lọc ảo để đưa ra kết quả cuối cùng. Dự kiến thời gian công bố điểm chuẩn là tối ngày 15/9. Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng nhà trường, điểm chuẩn dự kiến của một số ngành tăng nhẹ so với năm 2021.
Theo đó, ngành tăng nhiều nhất là Tự động hóa, có thể tăng từ 18 điểm lên 20 điểm. Các ngành thuộc nhóm Kinh tế và Du lịch tăng khoảng 0,5 điểm, cụ thể ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Marketing... với khoảng điểm dự kiến trúng tuyển năm 2022 từ 22 - 24. Đặc biệt, các ngành như: Quản trị kinh doanh, Công nghệ thực phẩm… có thể giảm 0,5 điểm so với năm ngoái. Các ngành như: Điện tử, Cơ khí, Luật kinh tế, Công nghệ may... điểm chuẩn dao động từ 17 - 22 điểm.
Riêng với khối sư phạm, PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức nhận định, điểm chuẩn năm 2022 có tăng nhẹ. Một số ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao nói riêng, điểm chuẩn sẽ cao vì chỉ tiêu ít.
“Mùa tuyển sinh 2022 khó có ngành nào lấy điểm chuẩn 30 điểm/3 môn” - PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền dự đoán, đồng thời viện dẫn: Qua phân tích kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy, đa số số thí sinh đạt từ 17-25 điểm, số thí sinh đạt trên 25 không nhiều như năm ngoái. “Trường ĐH Hồng Đức cũng kiểm soát cơ chế cộng điểm. Vì vậy, năm nay sẽ khó có ngành học điểm chuẩn đạt ngưỡng tuyệt đối” - PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền nói.
Theo đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), trên cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh trên Hệ thống, từ ngày 4/9, các cơ sở đào tạo đã tải dữ liệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển (bao gồm cả thí sinh đã nộp lệ phí xét tuyển và các thí sinh chưa nộp lệ phí) để tiếp tục thực hiện quy trình xét tuyển theo kế hoạch.
Việc xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên hệ thống được thực hiện 6 lần. Đến 14 giờ ngày 15/9, các cơ sở đào tạo sẽ tải kết quả xử lý nguyện vọng lần 6. Từ sau 17 giờ ngày 15/9 đến trước 17 giờ ngày 17/9, các cơ sở đào tạo nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống; rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Bộ GD&ĐT lưu ý, từ ngày 16/9 đến trước 17 giờ ngày 30/9, tất cả thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống. Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16/9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ 00 ngày 30/9. Các cơ sở đào tạo, nhóm cơ sở đào tạo lưu ý bảo mật thông tin trong quá trình xét tuyển, xử lý nguyện vọng.