Sau hơn hai năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhiều trường đại học đã chủ động tăng cường thời lượng học thực hành trong chương trình đào tạo để giáo dục kỹ năng, giúp sinh viên được cọ xát với thực tế nhiều hơn.
Nguyễn Thị Thảo Vân, cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, hiện đang làm việc tại Công ty cổ phần tư vấn sáng tạo Aurora (Hà Nội), chia sẻ: “Trong thời gian học trực tuyến do đại dịch Covid-19, em đã tranh thủ đăng ký nhiều tín chỉ để hoàn thành chương trình học và ra trường sớm bởi suy nghĩ ra trường sớm đi học việc, tích luỹ kinh nghiệm nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm tốt cho bản thân”.
Tuy nhiên năm thứ 3 đại học, Thảo Vân đã chủ động tìm việc và ứng tuyển vào nhiều vị trí khác nhau. Sau ba lần phỏng vấn Thảo Vân đã trúng tuyển và trải qua thời gian 3 tháng học việc cô đã được nhận vào làm chính thức.
Cô nàng chia sẻ: “Mặc dù em là sinh viên “thế hệ Covid-19” nhưng nếu chủ động tìm kiếm cơ hội, trải nghiệm thực tế nhiều hơn thì cơ hội việc làm vẫn luôn rộng mở. Bên cạnh đó, các bạn không nên so sánh công ty nhỏ hay lớn mà cần phải xem năng lực bản thân đến đâu, đáp ứng được bao nhiêu phần trăm mà nhà tuyển dụng yêu cầu”’.
Theo kinh nghiệm của Thảo Vân, những công ty nhỏ đòi hỏi với người mới ra trường không quá cao, nhiều công ty họ sẵn sàng dành thời gian đào tạo những người mới ra trường và có cơ hội phát triển bản thân cũng nhiều hơn so với các công ty lớn.
Đỗ Hải Linh hiện là sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hải Linh cho biết, sau khi kết thúc kỳ đầu tiên của năm nhất thì đại dịch Covid-19 ập về, cô và các bạn phải chuyển học trực tiếp sang trực tuyến. Bởi vậy chương trình học có phần học thực hành ở doanh nghiệp gần như bị hoãn do dịch.
Để bản thân không bị động, sau khi chuyển về quê tránh dịch, ngoài thời gian học trực tuyến, Hải Linh đã xin đến một công ty ở gần nhà để học việc nhằm ứng dụng những kiến thức từ lý thuyết vào thực tế.
“Quá trình học việc, những phần nào chưa hiểu em chủ động trao đổi với các thầy cô qua điện thoại hoặc hỏi chính những người làm trong công ty đó vì vậy em bỏ túi cho bản thân một ít kinh nghiệm cho kỳ thực tập sắp tới của mình”, Hải Linh cho biết.
Không những thế, Hải Linh cũng tranh thủ khoảng thời gian học trực tuyến này lập nhóm trên Zalo để bạn bè học tiếng Anh, luyện kĩ năng giao tiếp để luyện thi chứng chỉ IELTS.
Còn Trần Thị Mơ, sinh viên năm ba, Trường Đại học Thương mại (Hà Nội), chia sẻ: “Ngay sau khi đi học tập trung trở lại em và một số bạn trong lớp đã tăng cường thời gian học nhóm, chủ động xin thầy cô giao bài bằng hình thức làm nhóm để trao đổi, thảo luận và phản biện. Bên cạnh đó, em học ngành Kế toán, mặc dù đang được nghỉ hè nhưng em đã nhờ người quen xin đi học việc tại một công ty nhập khẩu hàng gia dụng để tích luỹ kinh nghiệm”.
Ảnh minh họa ITN. |
Tại Trường Đại học Thủy lợi, để sinh viên không bị động sau thời gian học trực tuyến dài nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động thực tế để hỗ trợ sinh viên các kỹ năng mềm, tăng cường thời lượng học thực hành để sinh viên được ứng dụng lý thuyết vào thực tế.
Thạc sĩ Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Công tác Chính trị sinh viên, Trường Đại học Thủy lợi, cho biết: “Sau khi đại dịch được kiểm soát, chúng tôi đã tổ chức ngày hội việc làm tại trường, mời các doanh nghiệp đến trao đổi với sinh viên. Trong các tiết học, chúng tôi cũng mời doanh nghiệp, chuyên gia phối hợp để giảng dạy. Không những vậy, trong chương trình học chúng tôi đẩy mạnh các tiết học thực hành cho sinh viên để nâng cao kiến thức, kỹ năng đặc biệt kết nối với các doanh nghiệp để gửi sinh viên đến thực tập”.
Còn tại Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, từ tháng 4/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động dạy và học trực tiếp đều tăng cường, hỗ trợ trải nghiệm cuộc sống sinh viên và thực tế nghề nghiệp cho sinh viên.
PGS.TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: “Trong nhóm sinh viên này, có những em lần đầu tiên mới được đến trường, đến lớp, gặp gỡ trực tiếp các giảng viên, bạn bè dù đã chuẩn bị sang năm thứ 3. Theo đó, để trang bị kỹ năng cho sinh viên, chúng tôi đã tổ chức talkshow “3 kỹ năng và tư duy cho bạn trẻ trong lĩnh vực Edtech” với sự tham gia của chuyên gia về lĩnh vực giáo dục và công nghệ giáo dục”.
Cũng theo PGS.TS Lê Hiếu Học thì viện cũng tổ chức các chương trình để chia sẻ với các bạn sinh viên thông tin về sự phát triển của ngành Công nghệ giáo dục, những kỹ năng cần thiết để các bạn có thể phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này. Cho sinh viên tham quan, trải nghiệm tại các doanh nghiệp ứng dụng Công nghệ giáo dục như Học viện Viettel hay các đơn vị sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ giáo dục như FPT Software.
Bên cạnh đó, sinh viên cũng được tham gia phát triển các bài giảng số E-learning theo yêu cầu đào tạo nhân viên nội bộ của các doanh nghiệp, bài giảng E-learning các môn học Toán, Tiếng Việt, Khoa học Tự nhiên, Tin học các cấp tiểu học, trung học cơ sở (trong khuôn khổ dự án Chắp cánh STEM & E-LEARNING tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xây dựng bài giảng STEM và E-Learning cho giáo viên các địa phương có hoàn cảnh khó khăn).
“Không chỉ vậy, hầu như trong các học phần chuyên ngành, các giảng viên cũng đều yêu cầu và hỗ trợ để các bạn sinh viên thực hiện các sản phẩm thực tế. Song song với đó để chia sẻ với sinh viên “thế hệ Covid-19”, các thầy, cô giáo của viện tạo điều kiện tối đa cho sinh viên tích luỹ được kiến thức, kỹ năng nhằm đáp ứng được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cũng như yêu cầu của vị trí việc làm tại doanh nghiệp”, PGS.TS Lê Hiếu Học cho biết.
“Chúng tôi còn động viên sinh viên tham gia các hoạt động phong trào do Đoàn trường tổ chức, hỗ trợ không gian sinh hoạt câu lạc bộ để tự tập huấn, chia sẻ kiến thức, kỹ năng giữa các thành viên… nhằm bù lấp những lỗ hổng trong thời gian học chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”, PGS.TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.