Chủ tịch EVN nói về "23 ngày thiếu điện" và bài học đắt giá

02/01/2024, 17:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chia sẻ những khó khăn, những trăn trở và cả những quyết tâm vượt qua thách thức trong năm 2024, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho rằng, ngành điện cần đối mặt những triệt để chống tiêu cực, tăng cường minh bạch và lấy lại lòng tin với khách hàng, xã hội sau những "bài học đắt giá" xảy ra.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng 2/1, Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An đã có những chia sẻ đầy tâm tư khi nhiều lần dùng từ "bài học đắt giá" và "rất buồn" khi nói về về những gánh nặng mà tập đoàn đang phải gánh vác.

Ông An cho biết, tập đoàn đang gánh nhiều nhiệm vụ cùng lúc và được giao trách nhiệm là người mua duy nhất trên thị trường điện dù hiện tập đoàn chỉ nắm gần 38% nguồn cung trên thị trường, không còn độc quyền nắm giữ toàn bộ nguồn điện và khâu sản xuất điện như trước.

"Là người mua duy nhất nên khi thiếu điện phải chịu trách nhiệm và cuối cùng đây là bài học đắt giá cho EVN. Thật sự rất là buồn khi các cán bộ bị xem xét trách nhiệm, xử lý. Đây là nhiệm vụ rất cam go trong những năm sắp tới của chúng ta, không chỉ năm 2024, 2025 hay 2026 mà cho đến khi an ninh năng lượng trên toàn quốc được đảm bảo”, ông An nói.

Theo Chủ tịch EVN, để đảm bảo không để thiếu điện, thời gian tới, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương, UBND các địa phương… rất quan trọng. Cùng đó, nếu không có vốn đầu tư của toàn xã hội vào các công trình đã quy hoạch và vạch quy hoạch, an ninh năng lượng sẽ bị ảnh hưởng.

Chủ tịch EVN nói về
Chủ tịch EVN chia sẻ những tâm tư về những gánh nặng với EVN giai đoạn hiện nay.

Câu chuyện cân đối tài chính của EVN lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng do giá bán điện thấp hơn giá thành của các năm qua; làm thế nào để trở về mức không lỗ cũng là những trăn trở của lãnh đạo ngành điện khi nói về cơ chế mua cao - bán thấp hiện nay của giá điện và đang rất cần cơ chế tháo gỡ. “Tập đoàn sẽ báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn, Bộ Công Thương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ trong các năm tới dù không biết đến bao giờ mới quay được về mức lỗ bằng 0”, ông An tâm sự.

Một nỗi lo khó giải toả khác được lãnh đạo ngành điện đề cập đến là tình trạng suy giảm đầu tư qua các năm. Ông dẫn câu chuyện cách đây khoảng 6 năm, EVN đã duy trì mức đầu tư khoảng 120 nghìn tỷ mỗi năm, năm bình thường là 105 nghìn tỷ nhưng đến nay, cùng với trượt giá đồng tiền, nhu cầu đầu tư tăng mạnh nhưng năm 2024 tập đoàn vẫn duy trì mức đầu tư khoảng 102 nghìn tỷ, cho thấy sự suy giảm đang rõ nét hơn. Tình trạng nhiều công trình điện chậm tiến độ do cả thể chế, chính sách và nguyên nhân chủ quan cũng là vấn đề lớn với ngành điện hiện nay.

Cơ chế để giữ chân, đảm bảo thu nhập cho người lao động khi liên tiếp 2 năm bị lỗ cũng là mối lo được lãnh đạo ngành điện nêu ra tại hội nghị. Theo ông An, lương ngành điện năm 2022 chỉ bằng 95% của năm 2021. Năm 2023, tập đoàn phấn đấu chỉ duy trì không thấp hơn mức năm 2022. Hiện nhiều cán bộ có chất lượng đã rời ngành vì lương thấp. Không thu hút được người trẻ vào làm việc vì lương thấp sẽ là vấn đề lớn của ngành trong các năm tới, đặc biệt sau những vụ việc vừa qua khiến niềm tin vào ngành điện bị ảnh hưởng rất lớn.

Chủ tịch EVN nói về
Chủ tịch EVN yêu cầu cần dứt điểm khắc phục tình trạng chậm tiến độ, phát sinh chi phí trong các dự án điện.

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, tập trung chống tiêu cực

Điểm lại 5 vấn đề cần khắc phục trước thời điểm tập đoàn bước vào năm 2023, năm kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, Chủ tịch EVN khẳng định, với các khó khăn hiện tại, bản thân EVN phải giải quyết. Nếu không nỗ lực, quyết tâm thay đổi cách làm, sẽ tiếp tục bị sa lầy, không tìm được lối ra.

“23 ngày thiếu điện” của năm 2023 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, môi trường đầu tư, uy tín của đất nước. Dù hiện nay EVN chỉ nắm 37% nguồn cung trên thị trường nhưng phải làm sao để đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế. Đề nghị Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn có giải pháp chỉ đạo các nhà đầu tư ngoài EVN đang nắm giữ 52% nguồn điện phải tham gia sâu hơn nữa cùng với EVN, TKV và PVN trong việc không để xảy ra thiếu điện”, ông An nêu quan điểm.

Với lĩnh vực đầu tư xây dựng, Chủ tịch EVN cho rằng, cần dứt điểm khắc phục tình trạng chậm tiến độ, phát sinh chi phí, thay đổi mức đầu tư, tình trạng phối hợp lỏng lẻo giữa các tổng công ty và UBND các địa phương trong bối cảnh phát triển kinh tế của nhiều địa phương rất nóng. Trọng tâm trước mắt phải sớm hoàn thành đường dây truyền tải 500 kV mạch 3. Cùng đó tập đoàn phải tiếp tục tiết kiệm từ mua sắm, đầu tư xây dựng, chi phí phân phối, tiết kiệm cả trong vay vốn trước khi trông chờ vào các tháo gỡ chính sách của cơ quan quản lý.

“Khi đặt vấn đề hiệu quả lên hàng đầu thì những gì chúng ta cảm thấy phù phiếm, sẽ phải cắt giảm, từ hội nghị, tổng kết đến nhiều việc khác để tiết kiệm thời gian, nhân lực cho tập đoàn’, ông An nhấn mạnh.

Nhìn vào những bài học liên quan cán bộ ngành điện thời gian gần đây, Chủ tịch EVN yêu cầu phải triệt để chống tiêu cực. Đây là bài học, nỗi đau và nỗi xấu hổ của ngành điện. Thường vụ và Đảng uỷ EVN sẽ có những Nghị quyết chuyên đề về các chỉ tiêu trong năm tới liên quan đến trách nhiệm cung ứng điện, đầu tư xây dựng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

“Những việc này phải triển khai ngay từ đầu năm nay. Kể cả tiêu cực trong công tác cán bộ cũng như công tác khác. Cùng đó phải tăng cường minh bạch, phải đi theo hướng quản trị quốc tế là minh bạch, từ lập phương thức vận hành hệ thống đến cho đến trong mua sắm, chi phí. Chúng ta đã đi một bước dài trong đấu thầu mua sắm qua mạng. Sắp tới phải làm mạnh hơn nữa. Tránh tình trạng người ta nhìn vào tập đoàn như một ‘cái hộp đen’’. Làm sao để dư luận hỏi về chi phí tài chính, đều phải công khai và phải tăng cường trách nhiệm giải trình, tăng cường trách nhiệm của tập đoàn với khách hàng và xã hội”, ông An nhấn mạnh.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch EVN khẳng định cần khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy trong công việc. Đây là lúc cần những người tâm huyết, có trách nhiệm nhất trong giai đoạn khó khăn của tập đoàn hiện nay để cáng đáng công việc. Thực sự hiện công việc rất bộn bề, khó khăn, thách thức.

“Những ngày rong chơi đã qua rồi, chúng ta buộc phải lao động thôi. Mong các đồng chí quán triệt tinh thần, sứ mệnh của chúng ta đối với nền kinh tế, với xã hội”, ông nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch EVN nói về "23 ngày thiếu điện" và bài học đắt giá