"Các doanh nghiệp xây dựng bây giờ vay lãi suất 10-11% mà không đòi được tiền chủ đầu tư thì rất rủi ro nên hạn chế đầu tư. Một số doanh nghiệp trong top 10 ngành xây dựng còn có nguy cơ phá sản", ông Hiệp thông tin.
Đánh giá trong khoảng ba tháng vừa qua, Chính phủ đã có động thái rất quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Hiệp khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay không phải chỉ là một chiều, một hai vấn đề mà là khó khăn đồng bộ từ thị trường và các nỗ lực từ Chính phủ cần có thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế.
Hiện, khó khăn từ ngành bất động sản đang gây ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh doanh khác. Trong đó, thủ tục pháp lý là yếu tố then chốt đối với các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều dự án bị vướng các thủ tục pháp lý nên xây dựng dở dang hoặc xây xong nhưng chưa thể mở bán. Từ đó, doanh nghiệp bất động sản nợ đọng sang nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu.
Vì vậy, nếu thủ tục pháp lý không tháo gỡ được thì các dự án bất động sản chỉ có thể “nằm im” kéo theo hàng loạt doanh nghiệp ở các ngành liên quan.
Ngoài yếu tố pháp lý, phải khẳng định cầu của nền kinh tế hiện rất thấp. Do đó, cần có giải pháp lấy lại niềm tin, kích hoạt tâm lý thị trường đối với ngành bất động sản thì mới tháo gỡ được khó khăn. Tổng cầu giảm mạnh chứng tỏ nền kinh tế phát triển rất kém, vì vậy, cần có giải pháp cả về phía cầu để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế chứ không chỉ hạ lãi suất.
Ngoài ra, cần có những chính sách, văn bản triển khai cụ thể về những chỉ đạo, định hướng của Thủ tướng Chính phủ để có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho xây dựng hay bất động sản.
Ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng. (Ảnh chụp màn hình).
Ông Phạm Xuân Hoè,nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, nếu không có chính sách hạ chuẩn tín dụng cho một số trường hợp bị khó khăn tạm thời thì phần lớn các doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận được vốn.
Ngân hàng Trung ương các nước gần như không quy định cụ thể về các điều kiện cho vay, những điều cấm thì đã được quy định trong luật, còn lại quyền chủ động cho vay thuộc về các ngân hàng thương mại.
Vì vậy, NHNN nên trao quyền chủ động cho các NHTM để ngân hàng họ chủ động đánh giá, với những doanh nghiệp có khả năng phục hồi cần hỗ trợ để họ vượt qua khó khăn. Còn như hiện nay, việc có "ngưỡng chặn" đối với điều kiện cấp tín dụng thì sẽ không ngân hàng nào dám "cứu" doanh nghiệp trong lúc khó khăn để đề phòng rủi ro.