Giáo dục liêm chính

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị đề nghị mức án 9-10 năm tù

Thu Anh 21/03/2024 15:39

(GDTĐ) - Bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tân Hoàng Minh), bị đề nghị xử phạt từ 9 – 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 21.3, VKS đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với 15 bị cáo trong vụ án Tân Hoàng Minh. Trong vụ án này, 2 bố con ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các đồng phạm ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng từ 9 – 10 năm tù; bị cáo Đỗ Hoàng Việt từ 5 – 6 năm tù. Các bị cáo còn lại, VKS đề nghị xử phạt từ 24 tháng – 5 năm tù.

Chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn

Theo VKS, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân như cáo trạng truy tố. Cụ thể, Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) chỉ đạo cấp dưới phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.

tan-hoang-minh.jpg
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: N.A

Ông Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân 3 công ty, gồm Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng các hợp đồng “khống”, không có thật giữa nội bộ các công ty nêu trên để làm phương án phát hành các gói trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỉ đồng để huy động tiền vốn cho Tập đoàn.

Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối. Ngoài ra, các bị cáo còn thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Bên cạnh đó, các bị cáo còn ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”, thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu.

VKS xác định các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỉ đồng.

Phân hóa vai trò của từng nhóm bị cáo

VKS nhận thấy Tân Hoàng Minh là công ty gia đình, trong đó bị cáo Dũng là người chỉ đạo xuyên suốt hoạt động của doanh nghiệp; Đỗ Hoàng Việt được bổ nhiệm để giúp cho Tân Hoàng Minh hoạt động.

tan-hoang-minh(1).jpg
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh - Ảnh: N.A

Từ những phân tích nêu trên, VKS xét thấy cần áp dụng hình phạt tù cao nhất đối với bị cáo Dũng. Ngoài ra, trong vụ án này, VKS cũng đã phân hóa vai trò của từng bị cáo, đặc biệt là những bị cáo làm công ăn lương, không được hưởng lợi để đề nghị một mức án phù hợp.

Với nhóm giúp sức ở các công ty phát hành trái phiếu, VKS đánh giá họ có vai trò thứ cấp. Với nhóm giúp sức ở công ty kiểm toán, theo VKS, họ đã vi phạm chuẩn mực kiểm toán, hành vi này xuất phát từ việc thiếu nhận thức gây nên.

Từ đó, VKS một lần nữa khẳng định cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố 15 bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, khi đề nghị mức án, VKS cũng cân nhắc đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng bị cáo. Cụ thể, các bị cáo trong vụ án này đều có tình tiết giảm nhẹ, như chưa có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo, có một số bị cáo có nhiều đóng góp cho xã hội… Bị cáo Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt đã tác động tới gia đình khắc phục số tiền thiệt hại; một số bị cáo khác cũng tự nguyện tác động tới gia đình nộp tiền, khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, VKS đánh giá hành vi “thông đồng để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư” chính là tình tiết tăng nặng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị đề nghị mức án 9-10 năm tù