Quy mô dân số Việt Nam đạt khoảng 96,2 triệu người, với cơ cấu dân số vàng khoảng 56 triệu người đang tham gia thị trường lao động, đây được coi là động lực cho phát triển kinh tế. Dân số trong độ tuổi thanh niên (người từ đủ 16 đến 30 tuổi) ước tính khoảng trên 22 triệu người, chiếm 23% dân số cả nước.
Hiện nay, tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 24%. Phần lớn lực lượng lao động hiện chưa có bằng cấp, do đó đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, cần đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động bị lạc hậu do ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế.
Theo khảo sát, thị trường lao động hiện đang rất thiếu, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng nghề cao thuộc nhóm ngành, nghề kỹ thuật, công nghệ. Nhu cầu học nghề của thanh niên ở lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cũng đang chiếm tỷ lệ cao so với các nhóm ngành, nghề khác. Tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm ngay đạt trên 90% đối với khối kỹ thuật, công nghệ.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ góc nhìn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó cần khai thác thời cơ từ quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục nghề nghiệp để tiếp cận các chuẩn quốc tế, những mô hình giáo dục và quản lý giáo dục hiện đại và tranh thủ các nguồn lực từ quốc tế.
Tiếp tục rà soát chỉnh sửa các văn bản hướng dẫn về giáo dục nghề nghiệp theo hướng tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được linh hoạt, mở, chủ động trong đào tạo. Đồng thời giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, hồ sơ sổ sách trong đào tạo, thanh kiểm tra… để các trường tập trung công tác tuyển sinh, đào tạo, quản trị nhà trường.
Cũng theo bà Hường, khó khăn lớn nhất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay là công tác tuyển sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo các ngành, nghề thuộc nhóm kỹ thuật, các nhóm ngành nghề mà trang thiết bị chi phí cao, công nghệ hiện đại để có thể tiếp cận cách mạng 4.0. Cùng với đó là cơ chế, chính sách của từng bộ, ngành, địa phương với giáo dục nghề nghiệp có sự khác biệt. Ví dụ khác biệt về đầu tư cho các trường nghề của các cơ quan chủ quản, mức thu học phí, mức độ tự chủ, chế độ đãi ngộ cho giáo viên dạy nghề và người học nghề….
Bà Hường cho rằng, cần tăng cường giao quyền tự chủ gắn với tăng trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó cần có kế hoạch, chương trình về nâng cao năng lực quản lý, đồng thời nhanh chóng đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách có liên quan tới giáo dục nghề nghiệp.