Quả chuông tại chùa Cổ Lễ có tên gọi là Đại Hồng Chung, do Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936. Quả chuông nặng 9 tấn cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm.
Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Nhân dân, các phật tử trong vùng đã góp tiền để đúc quả chuông.
“Theo các cụ kể lại, khi nấu đồng đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vàng hòa tan trong đó”, thầy Vượng cho hay.
Năm 2005, các phật tử đã công đức số tiền gần 400 triệu đồng để đúc mới một quả chuông khác nặng 9 tấn, treo ở gác chuông trong chùa Cổ Lễ.
"Tương truyền rằng, khi xây chùa, các nhà sư không cần một bản vẽ thiết kế nào, không cần một chút vật liệu hiện đại là xi măng, sắt thép mà chỉ là gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản và công sức của nhân dân để xây dựng nên ngôi chùa có kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính", thầy Vượng cho biết.
Điểm nhấn của tổng thể kiến trúc chùa Cổ Lễ chính là tháp Cửu phẩm liên hoa thuộc loại kiến trúc nhiều tầng vươn cao dần lên không trung, đây là một đặc trưng của kiến trúc nhà Phật. Tháp cao 32m, do 9 tầng hoa sen liên kết hợp thành, mang ý nghĩa “cửu trùng” là 9 tầng trời, đặc thù tín ngưỡng của đạo Phật.