Chuẩn cơ sở giáo dục đại học hướng đến lợi ích của người học

01/08/2023, 13:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 1/8, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm góp ý về Dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Tọa đàm do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì tổ chức tại Đại học Thái Nguyên.

Phát biểu tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định: Dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có ý nghĩa rất quan trọng, tác động lớn đến các trường. Mục đích của thông tư là để quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, bởi từ trước đến nay quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu theo các địa phương, vùng, quy mô, cơ cấu,...Việc xây dựng quy hoạch mạng lưới để các đơn vị có sự chuẩn bị về điều kiện, nguồn lực, nhân lực và cần phải có căn cứ để xây dựng, căn cứ được đưa ra chính là yêu cầu tối thiểu về cơ sở giáo dục đại học.

Hiện nay, cả nước có trên 240 trường đại học. Với số lượng trường lớn, các cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ rất cao, gắn với trách nhiệm lớn. Chính vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không can thiệp vào các công việc nội bộ chi tiết của từng trường, nhưng không vì thế mà giảm đi mức độ chặt chẽ. Thay vào đó, quản lý ở tầm vĩ mô cần nắm những yếu tố chính, yếu tố cốt lõi đó là những điều kiện đảm bảo chất lượng, kết quả hoạt động...

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học hướng đến lợi ích của người học ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục học trình bày điểm chính của Dự thảo.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ hi vọng, khi xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ có những đổi mới. Bộ GD&ĐT rất vui mừng và mong muốn các chuyên gia, thầy cô sẽ tham gia đóng góp ý kiến đầy đủ, toàn diện với góc nhìn khác nhau. Đồng thời, toạ đàm cũng là dịp để cung cấp thông tin đầy đủ chính xác giúp hiểu rõ nguyên tắc, mục đích, tính chất, nội dung cụ thể của những tiêu chuẩn, tiêu chí... Việc trao đổi hai chiều sẽ giúp đi đến sự thống nhất và đưa ra một Thông tư hoàn chỉnh.

Tại tọa đàm, Đại diện Bộ GD&ĐT đã trình bày những điểm chính về dự thảo Thông tư Chuẩn cơ sở Giáo dục đại học. Theo đó, dự thảo Thông tư ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học ngày 28/7/2023 gồm 6 tiêu chuẩn, 24 tiêu chí. Các tiêu chuẩn gồm: Tổ chức và quản trị; Giảng viên; Điều kiện học tập; Tài chính; Tuyển sinh và đào tạo; Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, có 6 định hướng xây dựng chuẩn cơ sở Giáo dục đại học, 7 nguyên tắc được đặt ra khi xây dựng chuẩn, gồm: Duy nhất, phù hợp với tất cả cơ sở giáo dục đại học; Tập trung chính vào yếu tố đầu vào, trạng thái hoạt động của cơ sở GDĐH; Phù hợp với tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế để các cơ sở GDĐH hội nhập, cạnh tranh quốc tế; Định lượng nhất có thể; Khả thi, không quá phức tạp; Không mâu thuẫn với những quy định khác; Lấy lợi ích của người học làm trung tâm.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học hướng đến lợi ích của người học ảnh 2
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.

Dự thảo nhận được 116 ý kiến góp ý, trong đó tập trung vào 3 tiêu chí: Tổ chức, quản trị; Giảng viên; Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận về các vấn đề như: quỹ đất, tuyển sinh, điều kiện học tập cho sinh viên…

Kết luận tại toạ đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ có tác động lớn và là công cụ quan trọng quản trị trong từng trường đại học và toàn hệ thống. Trách nhiệm của chúng ta là phát triển hệ thống, làm sao quy hoạch sắp xếp hệ thống giáo dục đại học một cách trật tự, bài bản, khang trang hơn. Muốn làm được điều đó, thì cần phải đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể để các trường, các cơ sở giáo dục đại học cùng phấn đấu.

Bộ GD&ĐT đưa ra Chuẩn không phải để đối sánh, xếp hạng mà quan trọng là để các trường nỗ lực thay đổi, phát triển một cách tốt hơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học hướng đến lợi ích của người học ảnh 3
Trao đổi thảo luận về dự thảo Thông tư.

Đối với, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các trường đại học Ban soạn thảo sẽ xem xét tiếp thu để thay đổi cho phù hợp. Những góp ý chi tiết, sẽ xem xét để đảm bảo tính khả thi từ nay đến năm 2030 sẽ thực hiện mục tiêu quy hoạch hệ thống và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Bài liên quan
Bộ GD&ĐT hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non
Bộ GD&ĐT phát hành Văn bản số 1957/BGDĐT-GDĐH về việc hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học hướng đến lợi ích của người học