Giáo dục

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học: Nhìn đâu cũng thiếu

29/06/2024 10:34

Chuẩn cơ sở GD đại học gồm 6 tiêu chí, từ tổ chức quản trị, giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

Mỗi tiêu chí có nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Trong bối cảnh hiện nay, rất ít trường đại học, kể cả đại học công lập đáp ứng đủ các điều kiện như quy định của Thông tư 01/2024.

Nhiều khó khăn

Sau cuộc họp về Thông tư 01/2024 ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT (Thông tư 01) tại trường, TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang cho biết, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo văn bản. Trong đó, ba tiêu chuẩn khó nhất gồm: Cơ sở vật chất; nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; giảng viên.

Cụ thể, tiêu chí 3.1 trong tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất quy định “năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2”. Theo TS Tuấn, với quy mô hơn 40 nghìn người học, nhà trường tính toán, diện tích đất của trường phải trên 110ha mới đáp ứng theo quy định. Trong khi đó, diện tích đất của nhà trường tại tất cả cơ sở chỉ đạt gần 8ha, chưa bằng 1/10 so với yêu cầu.

Tiêu chí tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ trong tiêu chuẩn số 2 về giảng viên cũng khó thực hiện. Cụ thể, Thông tư 01 quy định tỷ lệ này không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.

“Hiện trường đào tạo tiến sĩ ở ngành Khoa học Môi trường nhưng trường sẽ được xếp vào loại cơ sở giáo dục có đào tạo tiến sĩ. Theo đó, yêu cầu tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không dưới 40% và từ năm 2030 không dưới 50% rất khó thực hiện. Tỷ lệ này ở nhà trường hiện là 22%”, TS Tuấn chia sẻ.

Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang nói thêm, tiêu chuẩn số 6 về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cũng có tiêu chí nhà trường chưa thể đạt được trong tương lai gần. Cụ thể, ở tiêu chí 6.1, tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.

Trong 3 năm gần đây, doanh thu của nhà trường luôn nằm trong tốp đầu các trường đại học của Việt Nam, khoảng trên 1.500 tỷ/năm. Để đáp ứng tiêu chí này, doanh thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phải đạt 75 tỷ đồng. Trên thực tế, con số này ở nhà trường thấp hơn rất nhiều.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Một trong những khó khăn của các trường khối kinh tế và khoa học cơ bản là tiêu chí tỷ trọng doanh thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”.

Hiện, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng chủ yếu từ các dự án hợp tác quốc tế, đề tài khoa học cấp ĐH Đà Nẵng, cấp Bộ… và đề tài khoa học hợp tác với các địa phương. Trong đó, công tác tư vấn chính sách, nhà trường không thu phí. Vì vậy, khó đáp ứng được hiệu số % doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ so với tổng nguồn thu của nhà trường.

Để đẩy mạnh chuyển giao kết quả nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải mạnh cả về nghiên cứu hàn lâm lẫn ứng dụng thực tiễn. Trong khi đó, hầu như giảng viên khối kinh tế, dù được đào tạo bài bản ở nước ngoài vẫn nặng về nghiên cứu hàn lâm nhiều hơn. “Dù nhà trường đã chuyển hướng nghiên cứu khoa học có địa chỉ, theo hướng chuyển giao nhưng nguồn thu này vẫn khiêm tốn, chủ yếu từ các dự án hợp tác quốc tế”, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng khẳng định.

TS Võ Văn Tuấn cho biết, nhà trường khó đạt quy định số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm. Hiện, Trường Đại học Văn Lang mới đạt khoảng 0,2 bài/năm trên một giảng viên.

Tương tự Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Công Thương TPHCM chưa đạt tiêu chí “số lượng công bố khoa học và công nghệ với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm”; hoặc khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí “tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%”.

Phòng thực hành ngành Răng Hàm Mặt của Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: Lê Nam
Phòng thực hành ngành Răng Hàm Mặt của Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: Lê Nam

Eo hẹp diện tích đất

Không chỉ khối cơ sở giáo dục đại học tư gặp khó, các trường công lập cũng đối diện khó khăn trong thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Ví dụ, tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, nhà trường chưa đạt tiêu chí “diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2” và “ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt”. Hiện, diện tích đất của trường mới đạt 12,5m2 đất/sinh viên; chỗ làm việc riêng của giảng viên chưa đạt được tỷ lệ trên.

Tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, nhà trường cũng chưa đạt tiêu chí về diện tích đất, dù tổng diện tích các cơ sở đào tạo và phân hiệu hiện có trên 40ha. “Với yêu cầu của Thông tư 01, nhà trường cần có 80ha”, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo thông tin và cho biết thêm, với việc mở rộng một số phân hiệu, trong tương lai gần, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM sẽ đáp ứng được tiêu chí này.

Đối chiếu các tiêu chí của Thông tư 01, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cơ bản đạt được nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn, đáp ứng kịp theo lộ trình. Cụ thể, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đã đạt trên 35%; số lượng công bố khoa học và công nghệ đạt ngưỡng 0,6 bài/năm mỗi giảng viên. Vướng mắc nhất vẫn là quỹ đất để mở rộng, phát triển. “Nhà trường mong Bộ GD&ĐT, các địa phương có chính sách hỗ trợ mặt bằng, quỹ đất để các trường phát triển cơ sở vật chất”, ông Nhân nói.

Với Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, khó khăn nhất là đáp ứng tiêu chí diện tích/số lượng sinh viên. Chia sẻ của PGS.TS Trần Xuân Bách - Phó Hiệu trưởng, hiện nhà trường vẫn đáp ứng đủ 25m2/sinh viên nếu tính cả diện tích sàn.

Vì ĐH Đà Nẵng là đại học vùng, có cơ chế sử dụng chung nguồn lực cơ sở vật chất nên sân chơi, bãi tập… đều đáp ứng yêu cầu. Thế nhưng, chỉ tính riêng Trường ĐH Sư phạm thì không đạt tiêu chí diện tích đất cả trước mắt lẫn trong dài hạn nếu không được mở rộng thêm.

Đây cũng là khó khăn của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. Theo PGS.TS Lê Văn Huy, sẽ có nhiều cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập và một số cơ sở giáo dục đại học ở khu vực trung tâm của những đô thị lớn khó đáp ứng tiêu chí về diện tích đất. Chưa kể là khả năng mở rộng diện tích của một số trường là khó khả thi, chỉ có thể mở thêm cơ sở ở ngoại thành mới đáp ứng được.

Ông Võ Văn Tuấn cũng nêu một số bất cập giữa Thông tư 01 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học. Chẳng hạn, quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (Thông tư 03), một trong những tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh là diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu tính trên một sinh viên chính quy không thấp hơn 2,8m2.

Cách tính là lấy tổng diện tích sàn xây dựng các hạng mục công trình được xác định chia cho tổng quy mô sinh viên chính quy của cơ sở đào tạo. Ông Tuấn tính toán, so với Thông tư 03, Thông tư 01 khó đạt hơn khi các tham số là “diện tích đất”, “người học chính quy quy đổi”.

Một khu giảng đường của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cơ sở TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Lê Nam
Một khu giảng đường của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cơ sở TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Không thể “né” mãi

PGS.TS Trần Xuân Bách - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho rằng, Thông tư 01 là thước đo chung để các trường đại học đối chiếu, xây dựng lộ trình với những giải pháp cụ thể để đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Dễ thấy rằng, nguồn thu từ các trường đại học hiện nay chủ yếu từ học phí. Theo số liệu trong báo cáo ba công khai, nguồn thu từ học phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu của Trường Đại học Duy Tân.

Đơn cử như năm học 2022 - 2023, tổng nguồn thu từ học phí là 544 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,2%. Năm học 2023 - 2024, tổng nguồn thu từ học phí là 603,84 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 95%. Trong khi đó, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường này cao nhất chỉ đạt 9,62 tỷ đồng (năm học 2020 – 2021) và từ năm 2021 trở đi giảm xuống, chỉ còn 1,5 tỷ đồng.

Đa dạng hóa nguồn thu là nỗ lực của các cơ sở giáo dục đại học đã và đang hướng đến trong quá trình thực hiện tự chủ. Ngoài học phí, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giúp giảm gánh nặng học phí, rộng cơ hội cho sinh viên khó khăn có thể bước chân vào giảng đường đại học. Giảng viên, người lao động cũng tăng thu nhập, cải thiện đời sống từ quỹ phúc lợi.

Theo PGS.TS Trần Xuân Bách, các cơ sở giáo dục đại học có thể “né” một số tiêu chí, tiêu chuẩn như không đào tạo tiến sĩ để giảm quy định về số lượng tiến sĩ xuống. “Thế nhưng, nếu muốn trở thành đại học đúng nghĩa thì ngoài đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, phải có đào tạo sau đại học. Thế nên, né mãi cũng không được mà buộc phải có lộ trình phù hợp để đáp ứng chuẩn nếu không muốn tụt hậu”.

Về vấn đề này, GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng: “Nghiên cứu trong các trường đại học, trước hết tác động trở lại để nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp, nội dung kiến thức được truyền thụ đến người học, bảo đảm đó là kiến thức luôn mới, không lạc hậu với bối cảnh phát triển nhanh chóng của thời đại. Tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên được huấn luyện các kỹ năng của môi trường lao động hiện đại bên cạnh tích lũy kiến thức nghề nghiệp”.

Muốn vậy, các trường phải có chính sách đủ mạnh để khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học. Như Trường Đại học Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học đã đạt ngưỡng 50% trên tổng nguồn thu. Đội ngũ cán bộ, giảng viên trong trường hầu hết đều tham gia nghiên cứu khoa học. Trường đã thành lập các đơn vị chuyên về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nên nguồn thu của các đơn vị này tương đối lớn.

PGS.TS Trần Xuân Bách cho rằng, nếu chỉ tập trung tuyển sinh để lấy nguồn thu từ đào tạo, coi nhẹ nghiên cứu khoa học thì các trường khó có thể đa dạng hóa nguồn thu. Bài toán tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ sẽ khó khả thi.

TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang đề xuất cần nghiên cứu để áp dụng thống nhất tiêu chí về cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo, người học ở Thông tư 03/2022 và Thông tư 01/2024. Đồng thời, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cần được áp dụng theo lộ trình bởi ở khối trường tư thục, diện tích đất rất eo hẹp, đặc biệt tại đô thị lớn như TPHCM.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học: Nhìn đâu cũng thiếu