Theo Luật Giáo dục 2019, trường chuyên được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập.
Trường chuyên nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Đến nay, các trường THPT chuyên căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT (Công văn 4171/BGDĐT-GDTrH ngày 26/8/2022), chủ động, linh hoạt xây dựng chương trình nhà trường. Có thể nói, đây là những cơ sở giáo dục đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc giao quyền chủ động cho trường phổ thông; xây dựng được các chương trình nhà trường phù hợp với điều kiện, mục tiêu nhằm thực hiện giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của học sinh.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng kế hoạch giáo dục của một số trường chuyên vẫn nặng về tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi; chưa tăng cường nhiều kỹ năng mềm, thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học...
Có trường chưa thực sự tự chủ về chuyên môn, chủ động trong xây dựng kế hoạch giáo dục đặc thù của riêng trường mình phù hợp với điều kiện từng địa phương, đối tượng học sinh. Yêu cầu có một văn bản quy phạm pháp luật riêng quy định cụ thể nội dung chương trình nâng cao các môn chuyên đảm bảo thống nhất trong tổ chức giảng dạy giữa các địa phương và cơ sở giáo dục được đặt ra cấp thiết.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục nâng cao các môn chuyên dành cho trường THPT chuyên. Trong bối cảnh Chương trình GDPT 2018 đang triển khai sâu rộng, đây chính là hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất để các trường xây dựng kế hoạch giáo dục môn chuyên bài bản; tăng cường tính thống nhất, liên thông trong hệ thống trường chuyên trên toàn quốc; thúc đẩy hoạt động đổi mới trong dạy học chuyên sâu, bồi dưỡng học sinh giỏi…
Lãnh đạo nhiều trường chuyên khẳng định giá trị của chương trình này và cho rằng, đây là bước chuyển quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, đào tạo nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Việc có chương trình khung chính thức giúp thống nhất nội dung, chuẩn đầu ra; tăng sự chủ động trong xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên sâu, đầu tư cơ sở vật chất; tạo điều kiện để học sinh tiếp cận tri thức nâng cao một cách bài bản, có định hướng dài hạn; đặc biệt, đảm bảo công bằng trong giáo dục chuyên trên cả nước.
Theo dự thảo, Chương trình giáo dục nâng cao của 15 môn học được giảng dạy tại trường THPT chuyên được xây dựng theo nguyên tắc nâng cao từ chương trình môn học quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, không bao gồm các nội dung mở rộng ngoài đơn vị nội dung kiến thức môn học, tiếp cận quốc tế, đổi mới liên tục theo xu hướng tiếp cận của thế giới.
Nội dung thí nghiệm, thực hành được tăng cường với các môn khoa học tự nhiên; đồng thời, đẩy mạnh khai thác công nghệ thông tin, định hướng học sinh chuyên trong khai thác và sử dụng công nghệ AI. Với 70 tiết/năm học (các môn chuyên: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ), 52 tiết/năm học (môn chuyên Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học), Chương trình có nội dung bắt buộc và lựa chọn bắt buộc (chiếm tỷ lệ khoảng 20% thời lượng chương trình giáo dục nâng cao).
Tuy nhiên, để chương trình thực sự khả thi, phát huy hiệu quả cao nhất, rất cần ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, thực tiễn của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt những người đã và đang công tác trong trường THPT chuyên. Cùng đó là sự chuẩn bị bài bản, kỹ càng từ sớm, từ xa các điều kiện cho việc triển khai chương trình; đặc biệt yếu tố con người, năng lực đội ngũ.
Chương trình chỉ có thể triển khai hiệu quả khi có đội ngũ giáo viên năng lực chuyên môn vững vàng, kiến thức sâu rộng về môn học, thành thạo các phương pháp dạy học tích cực, có khả năng hướng dẫn học sinh thực hiện dự án học tập, nghiên cứu, tham gia thi học sinh giỏi và các kỳ thi quốc tế.