Giáo viên Trường THCS Lộc Tấn chia sẻ về thuận lợi, khó khăn khi thực hiện chương trình mới. |
Cũng theo chia sẻ của cô Chi, Trường THCS Lộc Tấn thuộc địa bàn xã biên giới, học sinh dân tộc thiếu số như Khmer, S’tiêng chiếm tỉ lệ 7,2%, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc học trực tuyến thời điểm dịch khiến một số học sinh thụ động, không theo kịp chương trình,… nên trong quá trình thực hiện chương trình mới, một số em khả năng thực hiện nhiệm vụ học tập chưa tốt, thiếu tính tự học, thiếu hỗ trợ từ gia đình. Vì vậy thời gian qua trường luôn quan tâm đến những em này, từ sách giáo khoa, đồ dùng học tập, học bổng,.. để động viên các em vươn lên trong học tập.
Giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, mức sống của người dân, tuy nhiên, vẫn còn những em thuộc diện khó khăn, nhà trường cho các em mượn sách từ kho sách thư viện. Cụ thể, năm học 2021-2022 có 23 học sinh lớp 6 mượn SGK, năm học 2022-2023 có 14 học sinh lớp 6 và 7 mượn SGK.
Cô Nguyễn Thị Kim Chi thông tin về việc triển khai chương trình mới với đoàn giám sát. |
Cô Trần Thị Thu Sương, tổ trưởng tổ Anh văn - Mỹ thuật - Âm nhạc - Thể dục cho biết, với học sinh dân tộc thiểu số cũng như thuộc diện hộ nghèo, thực hiện chỉ đạo của trường, giáo viên các bộ môn cũng đã tổ chức hỗ trợ, phụ đạo các em để nỗ lực giảm dần học sinh yếu kém.
“Thầy cô bộ môn phối hợp với cô giáo chủ nhiệm tổ chức mô hình đôi bạn cùng tiến. Giáo viên chủ nhiệm sẽ sắp xếp những em có năng lực học tập tốt ngồi cùng bàn với những em yếu để cùng hỗ trợ, nhất là với những học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số hay hoàn cảnh khó khăn”, cô Sương chia sẻ.
Tại buổi làm việc ông Đỗ Chí Nghĩa thay mặt Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị của Trường THCS Lộc Tấn, đồng thời đánh giá cao đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong trường.
Ông Nghĩa cho biết, qua ghi nhận thực tế các giáo viên đều là người có kinh nghiệm và rất tâm huyết. Thầy cô tổ trưởng các tổ bộ môn nắm chắc vấn đề, việc triển khai chương trình mới cũng như chọn SGK theo đúng quy định đặt ra, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, địa phương, đáp ứng đúng yêu cầu.
Đặc biệt nhà trường đã có những mô hình, cách làm hay để giúp đỡ học sinh dân tộc thiểu số và diện khó khăn, tạo động lực cho các em đến trường học tập.
“Thời gian tới việc triển khai chương trình mới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy cán bộ, giáo viên Trường THCS Lộc Tấn tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, rà soát kĩ các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Trong quá trình triển khai nếu có bất cập phải kiến nghị lên cấp trên để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Thầy cô trong trường tiếp tục nỗ lực thúc đẩy, khắc phục mọi khó khăn, tự bồi dưỡng để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới”, ông Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.