Khắc phục tồn tại, hạn chế
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Giáo dục cũng như của cả hệ thống chính trị và người dân, việc thực hiện Nghị quyết 88 đã đạt được những kết quả bước đầu theo đúng mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, cần có giải pháp điều chỉnh, khắc phục. Từ yêu cầu trên, Quốc hội khóa 15 đã quyết định chọn 1 trong 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 là “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc đầu tư nguồn lực, chỉ đạo ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát và UBND TP Hà Nội đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến đổi mới Chương trình GDPT 2018; thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa; tài liệu giáo dục địa phương; bảo đảm đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học.
![]() |
Các đại biểu tham gia thảo luận. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó, kết quả bước đầu tương đối tốt khi Hà Nội luôn đứng đầu về học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế, tăng 7 bậc xếp loại chung về giáo dục đào tạo toàn quốc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận, với công tác giáo dục - đào tạo của Thủ đô, thực tế yêu cầu rất cao nhưng khả năng đáp ứng hiện nay còn hạn chế, thể hiện ở việc thiếu trường, lớp, thiếu giáo viên, thiếu thiết bị về cả số lượng, chất lượng và cơ cấu.
Nhận thức Hà Nội là trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ của đất nước, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định thành phố bảo đảm về kinh phí đầu tư dành cho giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển lâu dài của Thủ đô.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị TP Hà Nội bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện tốt Chương trình, sách giáo khoa mới. Đồng thời quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm đủ điều kiện để triển khai chương trình có hiệu quả.
Hà Nội cũng cần nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp. Cần phát huy sự chủ động của cơ sở giáo dục và nhà giáo trong xây dựng kế hoạch dạy học, đổi mới phương pháp giáo dục và đánh giá chất lượng giáo dục để đạt được mục tiêu đề ra.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, chuyên đề giám sát hướng tới mục đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 về công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2014-2022. Qua đó làm rõ kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Đồng thời, chuyên đề giám sát cũng hướng đến đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 88.