Chuyển con từ trường tư sang trường công, bà mẹ ở Hà Nội giải đáp thắc mắc: Liệu thực tế có "phũ phàng" như lời đồn?

Hiểu Đan | 06/03/2024, 17:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khi chuyển đổi con sang trường công, theo dự đoán của cô giáo chủ nhiệm, các phụ huynh lớp cũ, con gái chị sẽ có bối rối về mặt tâm lý.

Do điều kiện gia đình, hoặc nhận thấy con không phù hợp ở môi trường tư thục, một số phụ huynh đã chuyển con về học tại các trường công lập. Điều lo ngại nhất của các cha mẹ đó là phải chật vật giúp con vượt qua cơn "sốc văn hóa".

Thứ nhất, nhiều người cho rằng, chương trình học ở trường công quá nặng, trong khi học sinh trường tư trước đó đều vừa học vừa chơi, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, không khỏi có cảm giác thất vọng. Thứ hai, cơ sở vật chất của trường công nhìn chung cũng khó hiện đại như trường tư. Thứ ba, khoảng cách giữa thầy và trò trường công không gần gũi như ở trường tư. Những vấn đề phát sinh của con không được xử lý rốt ráo bằng.

Tuy nhiên mới đây, một phụ huynh ở Hà Nội lại chia sẻ trải nghiệm khác hẳn, thu hút nhiều sự chú ý. Chị cho biết, năm 2024 mình có chuyển đổi cho con gái học lớp 2 từ trường song ngữ sang trường công ở quận Ba Đình (được đánh giá là thuộc top trường công tốt ở Hà Nội). Hai môi trường khác nhau từ học phí đến môi trường rèn luyện. Khi chuyển đổi con sang trường công, theo dự đoán của cô giáo chủ nhiệm, các phụ huynh lớp cũ, con gái chị sẽ có bối rối về mặt tâm lý.

Nhưng khi vào thực tế thì hoàn toàn khác.

Chuyển con từ trường tư sang trường công, bà mẹ ở Hà Nội giải đáp thắc mắc: Liệu thực tế có phũ phàng như lời đồn? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khi thực tế không... như lời đồn

Những ngày đầu con học tại trường công, cùng với sự lo lắng, tuần đầu chị luôn hỏi: Con ổn không? Con có gặp trở ngại gì ở lớp muốn kể cho mẹ không?

"Đáp lại sự lo lắng của mình, con gái nhỏ bé học lớp 2 nặng 17kg miệng vui vẻ và rất hào hứng với ngôi trường mới: 'Con ổn mẹ ạ, hôm nay đi học rất vui, con được trải nghiệm chào cờ, và rất nhiều hoạt động khác… Chỉ có một vấn đề là buổi trưa nằm ngủ trên bàn nên con hơi bị đau người một chút vì cái bàn cứng, con nằm không quen mẹ ạ'", người mẹ chia sẻ.

Với suy nghĩ con mình học ở trường song ngữ kiến thức sẽ nhẹ hơn các bạn trường công nên chị đã chủ động nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm mới về việc: Mình sẵn sàng cho con đi học thêm để bổ sung kiến thức. Tuy nhiên, cô giáo khuyên thời điểm này chưa cần thiết. Sau gần 2 tháng học tại ngôi trường mới, con gái chị vẫn giữ được sự hào hứng khi đi học. Vậy là suy nghĩ về việc con bị "sốc" khi chuyển đổi từ ngôi trường song ngữ sang trường công là chuyện may mắn không xảy ra.

Về việc ép học thêm hay nhiều bài tập về nhà, bà mẹ này nhận thấy thực tế: Ở lớp có một số bạn đang học thêm, nhưng con chị tuy là chuyển đổi môi trường học nhưng về kiến thức vẫn theo kịp các bạn. Về bài tập, chị đánh giá là không nhiều, con gái rất chủ động trong việc học, mỗi ngày con chỉ cần học 30 phút là sẽ xong bài tập, thỉnh thoảng có hôm không có bài tập. Thực đơn ăn bán trú được chị đánh giá đủ chất và phong phú các món ăn. Cơ sở vật chất trường mới xây lại gần đây nên khang trang, sạch sẽ, diện tích rộng.

Chị cảm nhận thấy sự nhiệt tình của cô giáo, các con học sinh trong lớp đều ngoan. Hiện chưa thấy có sự việc đánh nhau hay mất đoàn kết giữa các con, ban phụ huynh rất nhiệt tình, lịch sự. Đánh giá về tính kết nối so với trường song ngữ, gần như không có sự khác biệt.

Về tài chính bên trường mới: Học phí là hơn 2,4 triệu đồng/tháng cho học bán trú, Steam, tiếng Anh, CLB kỹ năng sống, học phí đóng theo tháng. Ngoài ra có quỹ lớp đóng theo kỳ. Các khoản đóng cho nhà trường nhìn chung không có mấy. Ngược lại, tài chính bên trường song ngữ con đã học rất nhiều. Từ phí kiểm tra đầu vào, phí ghi danh, phí giữ chỗ, phí phát triển trường, phí học liệu…. đến 241 triệu đồng/năm, 24,1 triệu đồng/tháng, gấp 10 lần so với trường công.

Về kiến thức học, khi con sang trường mới, con được cải thiện ngay về chữ viết và khả năng đọc tiếng Việt tiến bộ rõ rệt. Chương trình học tiếng Anh trường công thì ít tiếng và kiến thức nhẹ, nên đối với con đang học song ngữ 20 tiết/tuần thấy rất dễ.

"Đến bây giờ mình cảm thấy rất hài lòng vì đã có sự lựa chọn phù hợp với mục tiêu của gia đình mình với học phí rất hợp lý. Nếu định hướng của gia đình là con sẽ học đại học trong nước thì bạn có thể lựa chọn các trường công điểm của thành phố để cho con theo học, kết hợp với việc cho con học thêm khi vào thời điểm cần thiết để phục vụ thi chuyển cấp.

Nếu định hướng của gia đình cho con đi du học, không đặt nặng về vấn đề kiến thức theo chuẩn Bộ Giáo dục, thoải mái về tài chính thì bạn có thể cân nhắc sang các trường song ngữ. Sương sương mà hai đến ba con đi học, bố mẹ cứ chuẩn bị tầm 600 triệu - 1 tỷ/ năm là được", phụ huynh này gợi ý.

"Chống sốc" cho con, cha mẹ phải là "nhà tâm lý"

Trên thực tế, không phải đứa trẻ nào khi thay đổi môi trường đột ngột cũng có trải nghiệm nhẹ nhàng như con bà mẹ nói trên. Với chị Quỳnh Mai (TP.HCM), trải nghiệm cho con từ trường quốc tế về trường công lại vô cùng vất vả. Từ trường quốc tế "xuống" tư thục đã là một cách biệt, con chị lại còn từ trường quốc tế :xuống" trường công. Một nơi hoàn toàn không có bạn bè cũ, ngay cả phương pháp học tập, giao tiếp cũng khác xa trường cũ... bé bắt đầu có những biểu hiện "sốc văn hóa".

Vốn là đứa trẻ năng nổ, hướng ngoại nhưng từ khi chuyển trường, con chị Mai trở nên trầm tính hẳn. Con khóa cửa phòng không chịu tiếp xúc với ba mẹ, chỉ đến giờ ăn mới ra ngoài. Trước đây (nghĩa là trước năm lớp 5) bé học hành rất ngoan và tự giác, rất sạch sẽ, phụ giúp mẹ việc nhà… nhưng bây giờ con không làm gì cả. Con nói chuyện nhát gừng, hay cãi lại, học hành sa sút, mê game… Học kỳ 1 chỉ đạt điểm trung bình.

Sau khi tham vấn chuyên gia tâm lý và bạn bè, chị Mai quyết định thay đổi cách tiếp cận với con. Biện pháp là nhắc nhở nhẹ nhàng và sai việc gì thì kiên nhẫn chờ con thực hiện sau 5-15 phút. Mỗi ngày khen, động viên con. Tuyệt đối tránh nóng nảy, ép con học.

Bên cạnh đó, chị Mai cũng nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm để cô biết tình hình của con và có biện pháp phù hợp giúp đỡ. Mất 1 tháng ba mẹ động viên giải thích, đến 1 ngày chị đón bé về buổi trưa, hẹn hò riêng đi ăn chỉ 2 mẹ con ăn món con thích. Mẹ mua tặng con bộ đồ chơi con mơ ước, đưa con về nhà ngủ trưa với mẹ (mọi ngày bé ngủ trưa ở trường, buổi tối thì ngủ riêng phòng) rồi thủ thỉ động viên, hỏi con về cảm xúc hiện tại, chuyển trường liệu có khó khăn gì cho con? Sau khi con nói ra tâm tư mong muốn thì ghi nhận những cái sai và hứa cố gắng sửa đổi. Rồi sau ngày hôm đó con mới mở lòng dần chấp nhận môi trường mới.

Nói về kinh nghiệm "chống sốc" cho con khi chuyển từ môi trường quốc tế sang công lập, chị Mai cho rằng, sai lầm của vợ chồng chị là đã không chuẩn bị tâm lý kỹ cho con trước khi vào môi trường mới. Thêm nữa, vì nôn nóng trước thành tích đi xuống của con nên chị nhiều lần có lời nói nặng nề, tiêu cực với con. Khi tâm lý không muốn tiếp nhận thì kiến thức học có dễ cũng không thể thu nạp được.

"Có một vấn đề nữa là các em khi chuyển từ tư sang công còn trở thành tâm điểm chú ý của các bạn cùng lớp, trường. Sau này mọi chuyện ổn hơn, con mình mới tâm sự ngày đầu tiên, con nghe được những lời xì xào và võ đoán của bạn bè trong lớp: Chắc là vì nhà hết tiền, hay là bị đuổi học, hay là học không nổi vì dốt tiếng Anh... nên mới chuyển từ trường 'nhà giàu' sang trường 'thường'. Những vấn đề này bắt buộc bố mẹ phải theo sát, hỏi han con để con mở lòng thì mình mới biết được", chị Mai chia sẻ.

Đồng thời, bà mẹ gợi ý: "Muốn con cởi mở lại thì mình nghĩ cũng cần cho con 1 thời gian, để con thấy được lắng nghe, được hiểu, được chạm đến những tổn thương, con đủ tin tưởng để mở lòng ra... Tính xấu của mình là hay áp đặt con, dễ mất kiên nhẫn. Nhưng rất may là mình nhận ra sớm để điều chỉnh.

Mình nhận ra, cái gì mà bạn càng cấm bé sẽ càng làm, nhưng bé sẽ giấu và không bao giờ kể ra. Nói chung là bố mẹ kiên nhẫn thường xuyên tâm sự, thường xuyên quan tâm cảm xúc và chịu khó lắng nghe và giải đáp thì dần con sẽ thay đổi. Cố đặt mình vào vị trí của con để hiểu con".

Chị Mai cho biết, để không bị đứt gánh giữa đường ở trường tư, quốc tế thì ít nhất phải có vài tỷ đồng gửi sẵn ở ngân hàng. Nếu còn do dự khoản học phí thì phụ huynh đừng "cố đấm ăn xôi", đến lúc "đuối" mới rút thì đổ hết công sức xuống sông xuống biển.

Hiện nay chị Mai cho con học thêm Anh văn ở một trung tâm ngoại ngữ, đồng thời đăng ký thêm vài lớp năng khiếu mà con thích. Chị Mai cũng chú trọng việc cho con tham gia các lớp kỹ năng để phát triển kỹ năng mềm - điều mà chị cho rằng các trường công hiện đang thiếu. Mặc dù thời gian đầu bé cũng bị đuối sức, song sau 2 tháng miệt mài gần đây, con đã dần đuổi kịp các bạn trong lớp.

Bài liên quan
Biến động điểm chuẩn trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh không kém các trường công an, quân đội
Để phục vụ cho phụ huynh và thí sinh tham khảo, dưới đây là bảng điểm chuẩn trong 3 năm gần đây của một trường đại học ở Hà Nội có tỷ lệ cạnh tranh được đánh giá là không kém các trường công an, quân đội.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển con từ trường tư sang trường công, bà mẹ ở Hà Nội giải đáp thắc mắc: Liệu thực tế có "phũ phàng" như lời đồn?