Ông Nghĩa nhớ lại, đầu năm 1975, ông được lãnh đạo Công an Trung ương Cục miền Nam gọi về cùng các đồng chí: Quýt, Chín Thanh, Đài, Đức chuẩn bị vào chiến trường Khu Sài Gòn - Gia Định. Mọi người được giao nhiệm vụ xuống đường phục vụ cho trung đoàn, công an vũ trang làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ đoàn xe Trung ương cục và các ngành của Trung ương.
3 giờ sáng ngày 30/4/1975, các cơ quan Trung ương Cục miền Nam được lệnh xuống đường tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Sài Gòn. Đoàn xe gồm: Công an vũ trang, Cục Chính trị quân đội, Ban Tuyên huấn, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Ban Binh vận, Ban Dân y và cả khối vận như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ...
Nhớ lại những hình ảnh sôi động của ngày 30/4 lịch sử, bác sĩ Nghĩa nói: “Với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, từ lúc có lệnh xuống đường đến khi vào Sài Gòn, cả đoàn không ai ngủ được”.
Gần 600 chiếc xe lớn nhỏ, tập trung tại ngã ba Đồng Pal, gần khu vực núi Bà Đen (Tây Ninh), nối đuôi nhau dài hơn 2km. Một tiếng sau, đoàn xe bắt đầu xuất phát, khi đến Trảng Cỏ (Tây Ninh), cả đoàn dừng lại chờ lệnh.
Đúng 11 giờ 30 phút, Trung ương Cục phát thông tin đối phương đã đầu hàng quân giải phóng. Nhìn lên trời, máy bay trực thăng địch đua nhau tháo chạy. Mọi người ôm nhau, người khóc người cười vui mừng khôn xiết.
Đêm đó, đoàn được lệnh vào tạm nghỉ tại Trường Đại học Bách khoa Sài Gòn. Tất cả mọi người được phát băng Ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định.
Sáng ngày 1/5/1975, bác sĩ Nghĩa cùng bác sĩ Chín Thanh nhận nhiệm vụ tiếp quản Bệnh viện Cảnh sát quốc gia (nay là Bệnh viện 30/4). Ngoài bàn giao con người, thuốc men, tài sản, còn có hơn 200 khẩu súng các loại và 50 thùng lựu đạn trong bệnh viện.
Sau ngày đất nước thống nhất, đau đáu về những chiến hữu đã hy sinh trong những năm kháng chiến ác liệt, bác sĩ Nghĩa lập bảng đỏ in tên đồng đội. Tấm bảng ghi danh 36 đồng chí mà ông còn nhớ tên, được đặt trang trọng chính giữa gian tủ phòng khách.
Trên bức tường đượm màu thời gian, người bác sĩ già treo kín bằng khen, huân chương, huy chương, những tấm ảnh ghi lại dấu ấn một thời vào sinh ra tử.
“Mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác, khi có thể bình an bước ra từ khói lửa chiến tranh”, ông lặng người, hướng ánh nhìn xa xăm tưởng nhớ về những người đồng đội đã hy sinh như bộc bạch tâm tư.
“Trưa ngày 30/4/1975, cờ đỏ sao vàng bay rợp trời, người dân tràn ra đường reo hò chiến thắng, mừng đoàn quân giải phóng về tiếp quản thành phố. Cả đoàn xe nối đuôi nhau đi từ từ vào trung tâm trong không khí hừng hực khí thế khiến con tim ai cũng hân hoan”, ông Nghĩa bồi hồi nhớ lại ngày lịch sử.