Các tổ chức này cũng có nghĩa vụ tuân thủ chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp định giá trong “Tiêu chuẩn định giá Tài sản của Việt Nam”, bảo đảm sự thống nhất trong việc định giá đất như phản ánh trung thực giá thị trường, nguyên tắc độc lập, khách quan của các chủ thể tư vấn, xác định giá đất, tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát…
Có như vậy, hoạt động định giá đất mới bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và phản ánh đúng giá trị của thị trường.
Dưới góc độ khác, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc định giá đất chỉ nên quy định 1 cơ quan Nhà nước, mà hợp lý nhất là giao các Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và cơ quan liên quan để thực hiện.
Đồng thời, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường làm thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất, đảm bảo hoạt động xác định giá đất, thẩm định giá đất được thông suốt.
Tổng kết thực tiễn gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công.
Giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định được sử dụng làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất không nhận được sự đồng thuận của nhiều người bị thu hồi đất; tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60% các khiếu nại của người dân) do giá đất cụ thể được xác định thấp hơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường.