Trong nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT có hướng mở không giới hạn số lượng đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Từ hướng mở đó, thí sinh nên đăng ký theo nguyên tắc thích trường nào nhất xếp nguyện vọng 1, trường nào số 2 thì xếp nguyện vọng 2… nếu xếp như vậy thí sinh sẽ tránh được tình trạng “trượt oan” hoặc “đỗ nhầm”.
Giải thích lý do “đỗ nhầm, TS Du nói: “đỗ nhầm” là đỗ vào trường mà bản thân thí sinh không phải thích cao nhất, khi công bố điểm chuẩn trường mình thích nhất thì điểm mình đủ, thậm chí thừa vào trường lại không đăng ký.
Nếu như vậy, khi vào trường các em học sẽ không có sự hứng thú. Các trường được đặt ở nguyện vọng càng cuối thì sự hứng thú không còn nhiều, thực tiễn kinh nghiệm của tôi nhận thấy các em như vậy bỏ học rất nhiều.
TS Du cũng nhấn mạnh, về mặt nguyên tắc đỗ hay trượt không phụ thuộc vào nguyện vọng mà phụ thuộc vào điểm. Nguyện vọng chỉ có ý nghĩa sắp xếp thứ tự ưu tiên cho trường nào xét trước, trường nào xét sau. Nếu xét trước đỗ rồi thì không xét tiếp các trường có nguyện vọng xếp sau.
Ví dụ: Nguyện vọng 1 ưu tiên vào trường A, nguyện vọng 2 trường B…. thì khi xét sẽ ưu tiên trường xét trường A có nguyện vọng xét trước, khi đỗ rồi dừng lại ở trường A không xét đến trường B nữa, nếu trượt thì lần lượt xét theo các nguyện vọng mình đã đăng ký theo thứ tự đến khi nào đỗ thì thôi.
“Nếu hết nguyện vọng mà thí sinh không đỗ tức là thí sinh đó đã trượt”, TS Du nhấn mạnh. Do vậy, cái quan trọng nhất tôi vẫn luôn lưu ý thí sinh là số điểm thí sinh đạt được. Trong một trường các nguyện vọng sẽ bình đẳng như nhau.
Khi thí sinh có thời gian dài để đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh phải chịu khó theo dõi nắm được những điều chỉnh, bổ sung thay đổi của trường mà mình đăng ký để xét tuyển, phải nắm thông tin một cách sát nhất để quyền lợi của bản thân được đảm bảo. Khi thời gian dài là cho thí sinh cơ hội đưa ra quyết định có lợi nhất cho mình do đó thí sinh không được chủ quan.