Tốt nghiệp đại học là một cột mốc quan trọng nhưng cũng đi kèm nhiều áp lực. Thực sự bước vào tuổi trưởng thành, người trẻ phải đối mặt với hàng loạt trách nhiệm mới.
Có những người ngay lập tức đi làm, bước vào cuộc sống tự lập thực thụ, bắt đầu phải tự trả các loại hóa đơn, tìm chỗ ở phù hợp túi tiền, tìm cách ổn định công việc và thu nhập...
Có những điều khiến sinh viên vừa ra trường cảm thấy choáng ngợp, đặc biệt là trước những vấn đề thuộc về tiền bạc. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm vàng để bắt tay vào việc xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai. Điều này đòi hỏi bạn trẻ phải biết bắt đầu đúng cách.
Dưới đây là lời khuyên từ các chuyên gia tài chính dành cho sinh viên mới ra trường:
Xây quỹ dự phòng khẩn cấp
Các chuyên gia tài chính luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của quỹ khẩn cấp, đây là khoản tiền giúp bạn ứng phó với các tình huống bất ngờ như đau ốm, nghỉ việc, đồ đạc hỏng...
Chuyên gia tư vấn tài chính người Mỹ Adrienne Davis khuyên người trẻ nên làm quen với cách tiết kiệm tiền hiệu quả. Đó là ưu tiên gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm ngay khi nhận được lương, thay vì đợi đến cuối tháng xem tiền lương còn dư lại bao nhiêu thì đem tiết kiệm.
Chuyên gia Davis chia sẻ: "Khi mới ra trường, tôi thà bỏ lỡ một chuyến đi chơi hay cuộc hẹn ăn uống với bạn bè, vì cần ưu tiên tiết kiệm theo đúng kế hoạch, còn hơn là không có khoản dự phòng khi cấp bách".
Các chuyên gia thường khuyên mỗi người nên có quỹ dự phòng khẩn cấp ít nhất ở mức tương đương 3-6 tháng chi phí sinh hoạt. Việc học cách tiết kiệm từng chút một là bước khởi đầu cần thiết để người trẻ có thói quen tiết kiệm cho tương lai.
Kiểm soát việc nâng cấp phong cách sống
Khi có thu nhập ổn định, nhiều người trẻ dễ rơi vào bẫy "nâng cấp phong cách sống". Họ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn để hưởng thụ, khiến khoản lương tăng thêm trở nên vô nghĩa.
Chuyên gia tài chính người Mỹ Haiyan Huang khuyên rằng, trước khi bạn trẻ muốn chi tiêu cho những thứ không thiết yếu, họ cần đảm bảo đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, như trả các loại hóa đơn, các khoản tiền buộc phải chi, các khoản nợ đã đến hạn phải trả...
Chuyên gia Adrienne Davis cũng khuyến khích người trẻ dùng ứng dụng quản lý chi tiêu để nắm rõ dòng tiền, hoạt động thu chi của bản thân. Bản thân chuyên gia Davis cũng từng có giai đoạn chi tiêu phung phí vì không biết rõ mình đã tiêu bao nhiêu và tiêu vào những việc gì.
Tiết kiệm tiền "dưỡng già" càng sớm càng tốt
Dù giai đoạn nghỉ hưu có vẻ còn xa, nhưng việc tiết kiệm tiền để chuẩn bị cho một tuổi già có nền tảng tài chính vững vàng là điều cần làm ngay khi bản thân bắt đầu có thu nhập. Bạn cũng nên tham gia sớm các chương trình, chế độ về lương hưu, bảo hiểm ở nơi làm việc.
Cân nhắc các đánh đổi tài chính
Chuyên gia Adrienne Davis lưu ý rằng việc đảm bảo tài chính cá nhân luôn đòi hỏi sự đánh đổi. Bạn có thể muốn mua xe mới hay thuê căn hộ đẹp hơn, nhưng nếu điều đó khiến bạn mắc nợ, liệu có đáng?
Bạn cần nghĩ đến bản thân trong tương lai. Liệu lựa chọn hiện tại có khiến bạn rơi vào khủng hoảng tài chính trong tương lai không?
Chuyên gia Haiyan Huang gợi ý bạn trẻ nên tạo thói quen viết ra các khoản chi tiêu hàng ngày để có cái nhìn rõ ràng hơn về cách mình chi tiêu. Từ đó, họ sẽ ra quyết định đúng đắn hơn từ việc đi chơi, mua sắm cho đến việc lên các kế hoạch tài chính dài hạn.