Chị ví dụ, nhà ông A có đơn hàng 10 áo dài. Ông A sẽ nhận làm 5 chiếc, còn 5 chiếc sẽ chia cho các hộ khác làm. Hoặc ông A sẽ nhận phần cắt vải, các hộ khác sẽ nhận phần khâu tà áo, làm cổ…
Ngoài ra, còn tùy thuộc vào số lượng hàng và đơn hàng nhận trong vòng bao lâu trả hàng mà số lượng hộ làm sẽ nhiều hay ít.
“Để làm ra một chiếc áo dài truyền thống như ở Trạch Xá phải mất trên 20 tiếng. Do đó, một người thợ lành nghề mỗi ngày chỉ làm được 1 chiếc áo. Đơn hàng nhiều và thời gian gấp thì một gia đình không thể làm xuể”, chị Dung cho hay.
Ông Đỗ Minh Thường (tên thường gọi là Tám), người đã có hơn 40 năm làm nghề may áo dài ở Trạch Xá cho biết thêm, trước kia, nghề này không truyền cho người ngoài, cũng không truyền cho con gái vì sợ con gái đi lấy chồng xa sẽ mang nghề ra ngoài, chỉ những người đàn ông mới được truyền nghề.
“Ngày xưa, hành nghề may đo phải di chuyển đến nhiều vùng khác nhau, con trai có sức khỏe mới đi được. Vật dụng mang theo đơn giản chỉ là cái kim, sợi chỉ, cái thước kẻ và vài tấc vải, cứ một thầy một trò đi có khi nửa tháng đến cả tháng mới về.
Con gái đi như vậy sẽ bất tiện và cũng không ai lo việc nhà, do đó, con gái chủ yếu ở nhà lo việc đồng áng, con cái… Cũng vì thế, đàn ông Trạch Xá trước kia nổi tiếng khéo tay hơn phụ nữ trong việc kim chỉ, may vá là thế.
Suốt một thời gian dài, người ta nói “làng đàn ông may áo dài” là nhắc đến Trạch Xá chúng tôi”, ông Tám chia sẻ.
Hiện đại không thể thay thế truyền thống
Ngày nay, việc giữ nghề may ở Trạch Xá đã không còn như xưa. Tất cả mọi người từ trẻ đến già, từ nam đến nữ đều có thể học nghề. Bên cạnh đó, việc xuất hiện của máy may công nghiệp cũng làm tăng năng suất lao động lên, tuy nhiên vẫn chưa thể thay thế may thủ công truyền thống.
Ông Tám cho biết, để làm thành một chiếc áo dài truyền thống, máy may công nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 90% vẫn phải tự khâu tay.
“Máy may công nghiệp điều khiển không linh hoạt như tay, có những vị trí và cách khâu của áo dài mà máy may không làm được. Ngoài ra, chỉ may công nghiệp khi là áo gặp nhiệt có thể sẽ biến dạng.
Chúng tôi khâu tay lấy chính sợi chỉ ở trong miếng vải làm áo để khâu, như thế đường khâu vừa mịn mà lại không bị lộ”, ông Tám nói.
Kỹ thuật khâu kim dọc chỉ có ở những người thợ may Trạch Xá
Đặc biệt, những người thợ may Trạch Xá sở hữu kỹ thuật khâu mà không ở đâu có được, đó là khâu kim dọc. Cây kim để dọc theo tà áo và khi khâu thay vì cây kim di chuyển như bình thường thì thợ ở Tràng Xá di chuyển mảnh vải, còn kim đứng im.
Người thợ may dùng chính vải trong miếng vải may áo để làm chỉ khâu, khiến cho đường khâu mềm mại và không lộ chỉ
“Người ta gọi đây là kỹ thuật “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”, nghĩa là lật bên trong không thấy xuất hiện dấu vết của đường kim mũi chỉ mà giống như kiểu dán hồ; bên ngoài thì mũi kim chỉ tròn nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng mũi chỉ trắng khâu đường tà cho áo màu đen cũng không nhìn thấy được”, ông Tám nói.
Các chất liệu vải may áo dài ở Trạch Xá chủ yếu dùng là lụa tơ tằm, lụa Hà Đông, gấm... Mỗi chiếc áo dài truyền thống, khâu tay có giá trung bình 2-4 triệu đồng, còn lại tùy vào chất liệu vải tốt đến đâu mà giá có thể dao động từ vài chục triệu đến cả trăm triệu một chiếc áo cũng có.
Máy may công nghiệp xuất hiện nhưng vẫn không thể thay thế những đường may thủ công ở làng nghề Trạch Xá
Nghề may ở Trạch Xá cũng không còn chỉ truyền cho con trai nữa, mà ngày nay nam nữ, dâu rể đều có thể theo nghề nếu muốn
Những chiếc áo dài truyền thống may thủ công ở Trạch Xá vẫn luôn được ưa chuộng vì độ tỉ mỉ, tinh xảo và bền đẹp