Chuyện sử sách: Trời tròn, đất vuông

08/02/2024, 08:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Người Hán quan niệm, vua là thiên tử, sợi dây liên kết giữa Trời và Đất. Nếu thiên tử là minh quân, Trời sẽ ban thiên thời và ngược lại,...

Để thuận theo “Địa phương”, các hoàng đế chia các lô đất nông nghiệp theo hình ô vuông. Cũng vì lẽ này, chữ điền (vườn) trong chữ Hán có hình vuông với bên trong chia 4 ô vuông (田). Khi quy hoạch khu định cư mới, các quan phụ trách cũng ưu tiên tuân theo hệ thống 9 ô vuông. Tất nhiên là việc quy hoạch đất nông nghiệp hay định cư theo hình vuông hoàn hảo là vô cùng khó. Dù vậy, Tử Cấm Thành (1420) vẫn vuông chằn chặn.

Hán Vũ Đế, nhà vua ấn định ngày 1/1 âm lịch là Tết Nguyên đán. Ảnh: Atlasobscura.com- Wikipedia.org.
Hán Vũ Đế, nhà vua ấn định ngày 1/1 âm lịch là Tết Nguyên đán. Ảnh: Atlasobscura.com- Wikipedia.org.

Các nhà thiên văn người Hán chiêm tinh, xác định lịch dựa trên nguyên lý “Thiên viên, Địa phương”. Nhân vật nổi tiếng nhất, Trương Hành (78 - 139) đã phát minh ra Hỗn thiên cầu chạy bằng nước giúp quan sát thiên văn gần như chính xác. Thời gian làm quan thiên văn trong triều, ông chăm chỉ chiêm tinh, ghi lại các điềm báo, chuẩn bị lịch và báo cáo ngày tốt, ngày xấu. Ngoài ra, ông còn sáng chế thành công máy đo địa chấn, phát hiện chính xác hướng động đất sắp xảy ra.

Trương Hành cho rằng, Trời Đất liền một khối. Trời mang dương khí nên có hình tròn và chuyển động, còn Đất mang âm khí nên phẳng và tĩnh. Ông giả định, vũ trụ hình bán cầu với mặt đáy chứa đầy nước, Trái đất trôi nổi trên mặt đáy này như tảng băng trôi, bề ngang khoảng 130 nghìn km.

Thế kỷ III, nhà Hán lụi vong. Năm 618, Đường Cao Tổ (566 – 635) đăng cơ, thiết lập nhà Đường (618 - 907). Phật giáo, tôn giáo đang sắp lụi tàn ở Ấn Độ du nhập vào Trung Quốc và nhanh chóng hòa nhập với Đạo giáo, Nho giáo, trở thành thước đo và giá trị đạo đức sống.

Dưới ảnh hưởng từ các tài liệu thiên văn đến từ Ấn Độ, nhà Đường cho rằng nên điều chỉnh lịch. Năm 721, nhà sư Vô Tích (683 - 727) được triệu tập để báo cáo về cải cách lịch. Sự kết hợp giữa lịch Ấn Độ và lịch âm khiến các quan thiên văn rối trí, không xác định được thời điểm nhật thực. Điều này khiến hoàng đế tức giận, lệnh cho Vô Tích phải tìm cho bằng ra.

Mặc dù, thông thạo thiên văn Ấn Độ, nhưng Vô Tích lại dựa hoàn toàn vào thiên văn Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu của nhà vua. Ông cũng lập ra bộ lịch được sử dụng từ năm 729 - 761 và thành công cải tiến Hỗn thiên cầu, nhờ khung với các đường tròn đại diện cho đường đi của Mặt trăng, Mặt trời và một số ngôi sao quan trọng mà dự đoán chính xác thời điểm nhật thực.

Chưa hết, hoàng đế còn ra lệnh cho Vô Tích xác định vị trí trung tâm của Đất. Trước đấy, người Hán tin nó nằm ở Đăng Phong. Sau nhiều đo đạc, Vô Tích tuyên bố nó nằm ở Khai Phong, trên bờ Nam sông Hoàng Hà. Đến thời nhà Tống (960 - 1279), Khai Phong thật sự được công nhận là tâm Đất, chọn làm nơi đặt vương đô.

Năm 1127, Kinh đô Khai Phong của nhà Tống bị quân Mông Cổ chiếm đóng. Năm 1271, Hốt Tất Liệt (1215 - 1294) tự xưng là hoàng đế Trung Quốc, thiết lập nhà Nguyên (1271 - 1368). Cùng lúc, em trai của ông là Húc Liệt Ngột (1217 - 1265) đánh chiếm nhiều vùng đất còn lại ở châu Á.

Mặc dù say mê chinh phạt, điên cuồng giết chóc nhưng Húc Liệt Ngột lại vô cùng tin chiêm tinh và điềm báo. Sau khi chiếm được lâu đài sát thủ Alamut ở Iran, ông bắt sống toàn bộ các thiên văn gia, đưa tới đài thiên văn mới dựng ở Maragha, Bắc Ba Tư bắt chiêm tinh.

Chưa hết, ông còn chọn ra người rất xuất sắc là Jamal al-Din, gửi cho vương huynh Hốt Tất Liệt cùng với một xe các dụng cụ thiên văn, trong đó có Hỗn thiên cầu, Thước thiên văn và Đồng hồ Mặt trời. Jamal al-Din thì mang theo một quả địa cầu và quả địa cầu của ông chính là quả địa cầu đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc.

Đế chế Mông Cổ có rất nhiều người Hồi giáo. Hốt Tất Liệt bổ nhiệm cho Jamal al-Din làm trưởng quan thiên văn cho phòng thiên văn Hồi giáo mới mở. Khác với khi tiếp xúc với thiên văn của Ấn Độ, các quan thiên văn người Trung Quốc thời gian này không chút nể nang gì Jamal al-Din, thậm chí còn kết bè kết phái mưu đồ cắt chức ông.

Quả địa cầu bị đá vào một góc và lý thuyết Trái đất hình cầu không được bất cứ người nào quan tâm. Khi muốn làm bộ lịch mới để đánh dấu triều đại của mình, Hốt Tất Liệt không còn cách nào khác là phải giao cho nhà thiên văn người Trung Quốc, Quách Thủ Kính (1231 - 1316).

Quách Thủ Kính là nhà thiên văn đại tài. Chỉ dựa vào các tài liệu lịch trước đó của Trung Quốc, ông soạn ra bộ lịch chính xác nhất đương thời, vượt trội hơn hẳn so với bộ lịch của Jamal al-Din.

Thế kỷ XIV, người Trung Quốc nổi dậy chống Mông Cổ. Năm 1368, nhà Minh (1368 - 1644) thành lập và các hoàng đế bắt tay ngay vào khôi phục Nho giáo. Minh Thành Tổ (1360 - 1424) muốn “vươn ra ngoài biên giới Trung Quốc” nên đã cho nhà thám hiểm Trịnh Hòa (1371 - 1433) thực hiện nhiều chuyến đi đến đại dương phía Tây. Phía Tây mà Trịnh Hòa đã đến là châu Á và châu Phi. Chỉ đến lúc này, “Thiên viên, Địa phương” mới bị phá vỡ.

Theo Atlasobscura

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-su-sach-troi-tron-dat-vuong-post671468.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-su-sach-troi-tron-dat-vuong-post671468.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện sử sách: Trời tròn, đất vuông