Nghĩ rằng có người cần giúp đỡ, anh Dũng tiến lại hỏi chuyện và biết được việc làm ý nghĩa của anh Hiếu. Thế là, buổi vá đường tình nguyện đầu tiên của anh Dũng đến ngay lúc đó. Sau khi hoàn thành xong công việc, hai người thanh niên trao đổi số điện thoại và anh Dũng trở thành một thành viên trong nhóm.
Sáng làm công nhân, tối tham gia nhóm vá đường, dù mệt nhưng anh Dũng chia sẻ bản thân chưa bao giờ nghĩ sẽ dừng lại. “Đôi khi bị nói là gàn dở, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm, đền đáp những người luôn ủng hộ”, anh Dũng chia sẻ.
Phong (người dân tộc Mông, quê Lào Cai) có lẽ là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm vá đường tình nguyện. Phong chia sẻ, cơ duyên để cậu đến với nhóm cũng thật tình cờ. Là sinh viên năm nhất học tập tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội nên ngoài thời gian lên giảng đường, Phong chẳng mấy khi bước chân ra khỏi phòng.
Trong một lần trò chuyện và được nghe những câu chuyện tử tế về nhóm vá đường của anh Hiếu, cậu sinh viên đồng ý tham gia. Thế rồi cũng từ đó đến nay, bất cứ khi nào nhóm có lịch, Phong cũng đi theo và rong ruổi khắp các ngõ phố của Thủ đô để vá đường.
Anh Phạm Văn Hiếu dùng đèn flash điện thoại cảnh báo cho phương tiện tham gia giao thông tại đoạn đường nhóm đang sửa chữa. |
Theo Phong, đây là một công việc rất ý nghĩa. Những đoạn đường được nhóm vá không chỉ góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông cho người đi đường, mà còn làm đẹp thêm cảnh quan đô thị. Chưa biết tương lai sẽ ra sao nhưng Phong tâm sự rằng, ít nhất trong thời gian còn học tập tại Hà Nội, cậu sẽ vẫn là một thành viên tích cực của nhóm.
Anh Phạm Văn Hiếu chia sẻ, hơn 10 năm gắn bó với công việc đặc biệt này, thời gian đầu, anh nhận được nhiều ý kiến gièm pha của mọi người. Ngay cả những thành viên trong gia đình cũng thấy anh là một kẻ gàn dở.
Thế nhưng, chính mong muốn về việc không còn xảy ra tai nạn đáng tiếc nào của anh đã thuyết phục được mọi người. Họ thêm quý và không còn xì xào về những việc anh làm như trước nữa.
“Trước đây, nguyên vật liệu dùng để vá đường tôi đều tự bỏ tiền túi ra để mua. Thế nhưng khi biết công việc tôi làm, nhiều đơn vị thi công đường còn thừa nguyên vật liệu cũng tìm cách liên hệ để chúng tôi đến lấy. Đó được xem như thành công bước đầu khi không phải mất thêm chi phí. Đáng nói hơn là hoạt động của nhóm đã được mọi người ghi nhận”, anh Hiếu tâm sự.
Là nhóm vá đường tình nguyện nhưng hoạt động của nhóm đều tuân thủ theo quy định. Với những đoạn đường diện tích hư hại nặng, nhóm anh Hiếu đều xin phép chính quyền địa phương để tiến hành sửa chữa. Trong khi đó, với đoạn đường hư hỏng nhẹ, nhóm sẽ tự mang nguyên vật liệu đến để sửa chữa.
“Còn hố tôi còn làm, còn hỏng là còn vá, vì tôi không muốn thấy bất kỳ vụ tai nạn đau thương nào do những ổ, hố sụt gây nên”, anh Hiếu chia sẻ.