Do đó, các sản phẩm này kỳ vọng có tỷ lệ hấp thụ tốt, thanh khoản cũng như tiềm năng tăng giá. Ngoài ra, nên xem xét các quy định pháp luật liên quan đến dự án như quy hoạch, các loại giấy phép và văn bản để đảm bảo những quyền lợi về tài chính và pháp lý của nhà đầu tư.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, bà Đặng Thuỳ Trang, Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT đã chỉ ra, nếu có sẵn tài chính 1-2 tỉ đồng, nhà đầu tư có khá nhiều sự lựa chọn các kênh đầu tư, tuy nhiên, không phải dòng tài chính quá lớn để có thể phủ tất cả các kênh (bỏ trứng vào nhiều giỏ).
Với kênh gửi tiết kiệm, theo bà Trang là kênh an toàn, ít rủi ro. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi lãi suất tiết kiệm đang giảm mạnh, kênh tiền gửi trở nên kém hấp dẫn hơn. Do đó, nếu nhà đầu tư gửi toàn bộ số tiền bạn tích lũy được vào tài khoản tiết kiệm không phải là phương án tối ưu để tăng trưởng tài sản.
Với kênh đầu tư bất động sản, bà Trang cho rằng, sở hữu bất động sản là phương án đầu tư phổ biến đối với người Việt Nam. Việc có thêm lớp tài sản này có thể giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục và tăng hiệu suất đầu tư.
Tuy vậy, nhà đầu tư nên cân nhắc các loại hình. Với đất nền chú ý vấn đề giấy tờ pháp lý và tình hình quy hoạch tại khu vực đó. Đầu tư đất sẽ hiệu quả hơn nếu xác định có thể nắm giữ lâu dài.
Với căn hộ chung cư là loại hình có tính thanh khoản tốt và phù hợp với người có khẩu vị rủi ro ở mức ổn định hoặc cân bằng. Nếu nhà đầu tư nhu cầu về dòng tiền thụ động mỗi tháng nhằm hỗ trợ chi tiêu, căn hộ có thể là phương án phù hợp. Tuy nhiên, bạn lưu ý mua căn hộ dưới 6 năm tuổi sẽ đem lại hiệu suất tốt hơn.
“Đầu tư bất động sản tốt nhất nên chọn tại địa điểm gần khu vực sinh sống hoặc quen thuộc, nhằm tiện việc quản lý và mua bán”, bà Trang dành lời khuyên cho nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm. Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hoà, hiện nhu cầu quan tâm bất động sản vẫn rất lớn, có chăng giai đoạn vừa qua, người mua bị tác động tâm lý bởi nhiều yếu tố khách quan, vì thế thị trường đang bị “đè” lại bởi tâm lý này. Phải mất khoảng 3 tháng tâm lý người mua nhà ổn định trở lại, khi đó bất động sản sẽ hồi phục sức mua rõ nét hơn.
Trong một công bố khảo sát về tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam của Batdongsan.com.vn đã chỉ ra, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường, 70% hộ gia đình có thu nhập 40 - 70 triệu vẫn mua thêm ít nhất 1 sản phẩm bất động sản. Khi được hỏi về dự định mua bất động sản, gần một nửa những người chưa có nhà cho biết họ sẽ mua trong vòng 1 năm tới. Tỷ lệ này ở những người đã sở hữu từ 1 bất động sản trở lên còn cao hơn.
Càng nắm giữ nhiều bất động sản, xu hướng muốn mua thêm nhà, đất của người tiêu dùng càng tăng. 79% người đang có 2 bất động sản cho biết họ sẽ mua thêm trong tương lai gần, tỷ lệ này ở những người đã làm chủ 3 bất động sản lên đến 87%. Số liệu này cho thấy nhu cầu mua nhà, đất để ở và đầu tư của người dân luôn ở mức cao.