Đáng chú ý, Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng sẽ trình đại hội cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam với các tiêu chí về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
Đại diện MSB cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập, từ đó tăng quy mô hoạt động và triển khai thành công chiến lược số hóa ngân hàng.
HĐQT trình đại hội cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT thực hiện toàn bộ công việc và nội dung liên quan đến việc triển khai và thực hiện nhập sáp nhập.
Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết MSB có kinh nghiệp sáp nhập ngân hàng MDB (năm 2015), HĐQT cũng như ban điều hành hoàn toàn rất thận trọng khi đưa ra quyết định sáp nhập ngân hàng nào đó. Trên cơ sở trình cổ đông, ban lãnh đạo sẽ đưa ra lựa chọn để quyết định.
"Vấn đề sáp nhập ngân hàng HĐQT không quyết mà đưa ra xin ý kiến cổ đông và việc này cuối cùng cũng phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước. Họ sẽ kiểm tra đánh giá xem năng lực của MSB có đủ khả năng hay không mới phê duyệt. Đây mới là chủ trương. Đồng ý hay không đồng ý cổ đông có thể bỏ phiếu biểu quyết" - Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn giải thích với cổ đông.
Kết quả biểu quyết tại đại hội cho thấy, đại hội đồng cổ đông MSB đã không thông qua tờ trình về kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng khác. Chỉ hơn 56% cổ đông tham dự đồng ý với phương án nhận sáp nhập, chưa đạt tỉ lệ cần thiết là 65%.