Cô gái ngồi xe lăn 21 năm và hành trình khởi nghiệp từ may vá

Bảo Anh. Ảnh: VTV | 04/08/2023, 08:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Mắc căn bệnh viêm tuỷ cắt ngang từ năm 9 tuổi, Phạm Thị Thắm (sinh năm 1992, Thanh Hoá), đã phải gắn cả cuộc đời với chiếc xe lăn.

Từng nhận nhiều lời từ chối dạy việc từ các chủ tiệm may, giờ đây cô gái 9X đã trở thành chủ tiệm may đo thiết kế nổi tiếng xứ Thanh. Hành trình "may lại cuộc đời" của mình sẽ được nhân vật kể lại trong Trạm yêu thương, chủ đề “Tiệm may đặc biệt” lên sóng lúc 10h thứ Bảy ngày 5/8 trên kênh VTV1.

tram-yeu-thuong-tiem-may-12-.jpg
Phạm Thị Thắm xuất hiện với chiếc váy đỏ nổi bật.

Xuất hiện với chiếc váy đỏ nổi bật và nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi, Phạm Thị Thắm tự tin giới thiệu về bản thân và tiệm may mang tên “Thắm ngố” của mình.

Thắm bật mí, đó tên gọi thân thương đánh dấu hành trình cách đây 8 năm khi cô bắt đầu đi ra bên ngoài và học hỏi được nghề may, làm chủ cuộc đời mình.

tram-yeu-thuong-tiem-may-7-.jpg
Thắm mang đến trường quay của chương trình những dụng cụ phục vụ công việc may vá.
tram-yeu-thuong-tiem-may-6-.jpg
Cô cảm thấy thích thú khi tạo ra nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng, có ích cho cộng đồng.

Mang đến trường quay của chương trình những dụng cụ phục vụ công việc may vá: giấy cắt may chuyên dụng, kéo, thước kẻ, phấn may…, Thắm nhanh nhẹn và khéo léo phác thảo một chiếc chân váy theo số đo của MC.

Vừa cắt, cô gái 9X vừa vui vẻ giới thiệu đó là công việc thường ngày của mình, dù có làm đi làm lại bao nhiêu lần, Thắm vẫn cảm thấy thích thú khi tạo ra nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng, có ích cho cộng đồng.

tram-yeu-thuong-tiem-may-9-.jpg

Kể về hoàn cảnh của bản thân, Thắm cho biết năm lên 9 tuổi, căn bệnh viêm tủy ập đến khiến cô bị liệt hai chân. Mặc dù bố mẹ đã chạy chữa nhiều nơi nhưng số phận nghiệt ngã buộc Thắm phải gắn cuộc đời mình trên chiếc xe lăn.

Nhà Thắm nghèo, thêm việc chạy chữa cho cô nên kinh tế càng thêm kiệt quệ. Trong những năm tháng điều trị bệnh, Thắm biết mình phải gắn liền với xe lăn, biết bao đêm khóc thầm vì biết mình không thể chạy nhảy như chúng bạn cùng trang lứa.

Khi vừa học hết cấp 2, Thắm phải thôi học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trường quá xa nên bố mẹ không thể ngày ngày đưa đón Thắm đến trường được nữa. “Đó là những năm tháng tăm buồn của cuộc đời em. Nhất là khi em trở thành gánh nặng cho gia đình”, Thắm tâm sự.

tram-yeu-thuong-tiem-may-5-.jpg

Năm 13 tuổi, Thắm quyết định đi học nghề vì nghĩ rằng mình cần có một công việc để làm chủ cuộc sống của bản thân. Cô gái 9X tham gia lớp học thêu ở địa phương và trở thành thợ thêu tay phụ giúp bố mẹ kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Nhớ lại ngày mới học nghề, Thắm xúc động chia sẻ: "Em đi khắp nơi để xin học việc nhưng chỉ toàn nhận được những cái lắc đầu. Nghề may đòi hỏi phải dùng chân để đạp máy, em lại bị liệt hai chân nên mọi người đều bảo không thể học được”.

Thế nhưng cô gái ấy chưa bao giờ bỏ ước mơ của chính mình. 

tram-yeu-thuong-tiem-may-13-.jpg

Tình cờ đọc được thông tin dạy cắt may online của thợ may Duy Long, Thắm đã mạnh dạn xin học. Cô may mắn được thầy Long nhận làm học viên và tặng miễn phí các khóa học online.

“Đối với em thầy Long là người vô cùng đặc biệt. Nếu không có thầy, em đã không có được như ngày hôm nay" - Thắm chia sẻ.

Sự xuất hiện của thầy Duy Long trong chương trình đã mở ra hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của Thắm những năm tháng mới học việc và chập chững vào nghề.

Qua lời kể của thầy Long, khán giả hình dung được phần nào những khó khăn vất vả, có cả mồ hôi, nước mắt và cả sự quyết tâm làm chủ cuộc đời của cô gái 9X này.

tram-yeu-thuong-tiem-may-1-.jpg
Thắm hiện có một cửa hàng may đo, thiết kế thời trang.
tram-yeu-thuong-tiem-may-3-.jpg
Cô mơ ước có một thương hiệu thời trang của riêng mình.

Sau 6 năm nỗ lực, đến nay Thắm đã có một cửa hàng may đo, thiết kế thời trang của riêng mình tại quê nhà mang tên “Thắm ngố”. Nơi đó đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều khách hàng cả trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa.

Họ biết đến cô không chỉ bởi nghị lực sống phi thường mà còn bởi kỹ thuật may điêu luyện, cẩn thận từng đường kim mũi chỉ và đặc biệt là sự lạc quan vui vẻ, nhiệt tình với khách hàng của cô chủ tiệm.

tram-yeu-thuong-tiem-may-2-.jpg

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Thắm mơ ước có một thương hiệu thời trang của riêng mình và tiếp tục làm ra nhiều sản phẩm phục vụ những người có hoàn cảnh đặc biệt. Món quà của Trạm yêu thương sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Thắm trên hành trình theo đuổi đam mê ấy.

Trạm yêu thương chủ đề “Tiệm may đặc biệt” lên sóng lúc 10h thứ Bảy ngày 5/8 trên kênh VTV1.

Bài liên quan
Cô gái bại não tạo nên ngôi nhà chung cho người khuyết tật
(GDTĐ) - Câu chuyện cảm động về tuổi thơ và cuộc đời của cô gái bại não Nguyễn Thùy Chi lấy đi nhiều nước mắt của khán giả Trạm yêu thương.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô gái ngồi xe lăn 21 năm và hành trình khởi nghiệp từ may vá