Theo nhà giáo Hà Thị Khuyên, việc bảo tồn văn hóa rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Bởi, khi học xong chữ viết nếu không tạo được môi trường để duy trì và phát triển, thì chữ viết rất dễ bị mai một.
Do vậy, ngoài vai trò giảng dạy tại Trường THPT Quan Sơn, cô Khuyên còn tham gia vào Ban chấp hành Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Quan Sơn. Từ đây, cô Khuyên đã trở thành cầu nối trong các hoạt động tuyên truyền về văn hóa dân tộc đến với đông đảo học sinh nhà trường.
Không chỉ vậy, cô Khuyên còn hăng say sưu tầm và dịch các văn bản, tác phẩm bằng tiếng Thái cổ sang Tiếng Việt. Tham gia công việc này, cô Hà Thị Khuyên cũng vinh dự đoạt giải A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2017.
“Hiện nay, ngôn ngữ dân tộc đang có dấu hiệu bị mai một, với số người biết đọc và viết chữ Thái ngày càng ít đi. Dù vậy, tôi càng đam mê trao truyền chữ viết của dân tộc mình để bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp”, cô Khuyên bộc bạch.
Gắn bó với công việc bằng niềm đam mê, nhà giáo Hà Thị Khuyên cũng nhận lại những trái ngọt khi lứa học sinh đầu tiên mà cô dìu dắt, đã và đang tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê với ngôn ngữ dân tộc Thái. Đây là niềm động viên, khích lệ không nhỏ đối với nữ nhà giáo vùng cao.
Cô Khuyên (bìa trái) trong buổi hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa). |
Ngoài trao truyền chữ viết, cô Khuyên còn hăng say tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ, giữ gìn bản sắc văn hóa Thái do Trường THPT Quan Sơn tổ chức. Các hoạt động như khua luống, các điệu cồng, chiêng… được nhà trường tổ chức mỗi tháng từ 1 – 2 buổi và đã duy trì suốt 10 năm qua.
Thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ và dạy chữ Thái, nhà trường mong muốn giữ gìn, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc địa phương đến với các thế hệ học sinh.
“Cô Khuyên vốn là cựu học sinh của nhà trường, lại là người đồng bào Thái, nên rất tâm huyết với các hoạt động giữ gìn bản sắc dân tộc. Không chỉ dạy chữ Thái, cô Khuyên còn năng nổ tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ”, thầy Đạo nói.
Theo thầy Đạo, với học sinh tham gia học chữ Thái đều hoàn toàn miễn phí. Nhà trường cũng hỗ trợ kinh phí in ấn tài liệu và bồi dưỡng cho giáo viên tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn, nên hiện trường mới chỉ duy trì mỗi khóa 2 lớp, nhưng xác định sẽ triển khai dần để các thế hệ học sinh có thể giữ gìn được bản sắc dân tộc.
“Các hoạt động này có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh chúng em. Khi tham gia các hoạt động như khua luống, cồng chiêng… em cảm thấy như được trở về với bản sắc văn hóa dân tộc thuở xưa.
Em hy vọng, nhà trường sẽ duy trì các hoạt động này dài lâu và lan tỏa đến những ngôi trường khác, để các thế hệ học sinh hiểu thêm về bản sắc văn hóa dân tộc mình”, em Hà Thị Mỹ Duyên (học sinh Trường THPT Quan Sơn) bộc bạch.