Giáo dục

Cô giáo mầm non sử dụng vật liệu mới lạ vào bài dạy

02/05/2025 13:03

Cô giáo mầm non Lê Hồng Nhung luôn mang đến những giờ học thú vị, xây dựng môi trường học tập hấp dẫn, hiệu quả cho trẻ.

Tận tình với công việc, học trò

Từ những ngày đầu mới ra trường, cô giáo Lê Hồng Nhung (Trường Mầm non Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã trăn trở, suy nghĩ làm sao để xây dựng hình ảnh người nhà giáo mẫu mực trong mắt học sinh và phụ huynh.

Do đó, mỗi ngày đến lớp, cô Nhung luôn cố gắng cống hiến, đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức của mình dành cho trẻ; cô đồng thời thể hiện sự ân cần, nỗ lực về chuyên môn, nâng cao trách nhiệm trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

“Trẻ em là mầm non của đất nước, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mầm non góp phần xây dựng tương lai, bởi vậy, mỗi nhà giáo phải không ngừng học hỏi để làm tốt công tác này”, cô Nhung tâm niệm.

Theo cô Nhung, để xây dựng giáo án tốt, mang lại hiệu quả giáo dục cao… trước hết giáo viên cần đặt trẻ làm trung tâm để cập nhật và vận dụng linh hoạt các kiến thức; ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thiết kế video bài giảng; áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến như STEAM để xây dựng môi trường học tập hấp dẫn, sáng tạo để thu hút trẻ.

Không dừng lại ở đó, cô Nhung là một trong số những giáo viên chịu khó nghiên cứu, tận dụng nhiều đồ phế liệu tưởng chừng chỉ vứt bỏ để tái chế thành đồ dùng, đồ chơi phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy cũng như trang trí lớp học. Điều này đã góp phần tiết kiệm, giảm chi phí, đầu tư cho nhà trường, phụ huynh mà công tác giảng dạy vẫn trọn vẹn.

Với đức tính giản dị, ham học hỏi cộng thêm niềm say mê công tác chuyên môn, cô Nhung đã và đang tìm tòi, đem đến cho trẻ những giờ học lý thú, khéo léo lồng ghép nội dung giảng dạy vào các hoạt động của lớp học bằng lời giảng nhẹ nhàng, truyền cảm, những hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh.

Đặc biệt, trong công việc, cô Nhung không chỉ mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ đồng nghiệp đi trước mà còn tích cực tham gia các cuộc thao giảng, dự giờ để tăng cường trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, phục vụ vào công tác nuôi dạy trẻ trên lớp.

Nhờ những kiến thức và kinh nghiệm, phương pháp dạy học sáng tạo mà cô Nhung đã mạnh dạn áp dụng vào quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ mà nhiều năm qua tỷ lệ học sinh của lớp cô phụ trách luôn đạt và vượt chỉ tiêu nhà trường giao.

Thành quả giáo dục này cũng góp phần quan trọng giúp trẻ hứng thú, yêu thích việc đến trường học tập. Không còn tình trạng trẻ sợ, ngại đến lớp.

hanh-4.jpg
Cô giáo Lê Hồng Nhung (Trường Mầm non Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Ghi nhận về đồng nghiệp, cô giáo Nguyễn Thị Thư chia sẻ: “Tôi thật may mắn khi được làm việc cùng cô Lê Hồng Nhung – giáo viên mẫu mực, luôn tận tâm với nghề và yêu thương trẻ nhỏ hết lòng.

Nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, cô Nhung là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo và đổi mới trong giảng dạy.

Không chỉ nổi bật trong chuyên môn, cô còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Cô luôn đạt giải cầu lông trong hội thi thể thao ngành tổ chức hàng năm và nhiều lần tham gia hiến máu tính nguyện - thể hiện tinh thần sống đẹp, vì cộng đồng”.

Với những đóng góp cho ngành Giáo dục và nhà trường, năm học 2020-2021, cô được trao giải Nhất giáo viên giỏi cấp quận; Chiến sĩ thi đua năm học 2019-2020 và 2020-2021; nhiều năm liền cô đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

hanh-1.jpg
Cô giáo Lê Hồng Nhung cùng học trò.

Dùng lá cây để dạy học

Từ kinh nghiệm chuyên môn tích lũy được, cô Nhung nung nấu suy nghĩ viết sáng kiến kinh nghiệm chia sẻ những nghiên cứu, đúc rút trong quá trình dạy học để dự thi các cấp, theo đó, nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô được đồng nghiệp đánh giá cao và đạt giải. Tuy nhiên, điều đáng vui mừng nhất là nghiên cứu của cô bắt đầu được áp dụng rộng rãi trong công tác giảng dạy của nhà trường.

Chia sẻ về sáng kiến tâm đắc nhất mang tên “Tạo hình từ lá cây – Một trong những kỹ năng giúp trẻ mẫu giáo lớn phát triển khả năng sáng tạo, niềm đam mê trong nghệ thuật tạo hình”, cô Nhung cho biết: Trong chương trình giáo dục mầm non, bộ môn tạo hình là loại hình nghệ thuật có sức hấp dẫn lớn với trẻ. Thông qua tạo hình, trẻ sẽ được thử sức trong việc phản ánh thế giới qua lăng kính của bản thân.

Tuy vậy, qua quan sát, cô Nhung còn nhận ra những kỹ năng cơ bản như cắt, dán, nặn, xé… đã quá quen thuộc và gây nhàm chán với trẻ. Do vậy, để mở rộng hơn phạm vi sáng tạo, cô Nhung tìm đến lá cây - một nguyên vật liệu không xa lạ với trẻ, phong phú về nguồn cung, đa dạng về hình dạng, màu sắc, kích thích sự hứng thú, đồng thời mang lại sự thích thú cho học trò trong quá trình tập tạo hình trên nguyên liệu mới.

“Nghệ thuật tạo hình tác động lớn đến tình cảm, tinh thần của trẻ. Thông qua sản phẩm do trẻ tạo ra, cô giáo có thể hiểu được trẻ đang có nhu cầu gì, tâm trạng của trẻ ra sao”, cô Nhung cho biết.

Để thực hiện hóa ý tưởng, cô Nhung đã dành thời gian tìm hiểu thông qua các buổi kiến tập môn hoạt động tạo hình, hoạt động góc, tham gia các giờ họp chuyên môn, nghe giảng bài môn hoạt động tạo hình do phòng giáo dục và đào tạo tổ chức. Để lấy thêm nguồn tài liệu tham khảo cho đồng nghiệp, cô còn tự sưu tầm và thiết kế thêm 41 bài tập tạo hình từ lá cây.

Sau gần một năm nghiên cứu đề tài, cô Nhung đã sưu tầm chọn lọc và thiết kế được bài tập tạo hình hoàn chỉnh và áp dụng thành công cho lớp học.

Những sản phẩm tranh của trẻ thông qua hoạt động được dùng trang trí lớp học thay cho những tranh có sẵn. Trẻ cũng hào hứng nhiều hơn so với khi học cùng đất nặn, giấy dán vốn đã quá quen thuộc.

hanh-5.jpg
Chân dung cô Hồng Nhung.

Theo cô Nhung, sử dụng vật liệu mới lạ giúp trẻ phát triển tư duy nhanh nhạy và sáng tạo hơn, thúc đẩy khả năng suy nghĩ chủ động và linh hoạt, đồng thời lồng ghép được thông điệp giáo dục về môi trường và đặc tính thực vật.

Nhằm mở rộng hơn nữa mô hình dạy học này, cô giáo trẻ Lê Hồng Nhung cho rằng cần tiếp tục tổ chức các chuyên đề phát triển thẩm mỹ cho mọi lứa tuổi; tạo điều kiện cho giáo viên học tập trao đổi với các trường trong quận góp phần nâng cao chất lượng hoạt động mầm non.

Ngoài ra, cô Nhung mong muốn tổ chức hội thi “Cuộc thi sáng tạo nhí” cho trẻ để thu hút sự quan tâm từ phụ huynh và cộng đồng, qua đó tuyên truyền sâu rộng đến đoàn thể và nhân dân về tầm quan trọng của ứng dụng thiên nhiên vào hoạt động giáo dục.

“Cô Lê Hồng Nhung là giáo viên năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm trong công việc chuyên môn. Đáng ghi nhận khác, cô Nhung luôn chủ động hỗ trợ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm quý báu và lan toả năng lượng tích cực cho tập thể.

Đối với nhiều thế hệ phụ huynh có con từng được cô Nhung trực tiếp nuôi dạy chăm sóc đều ghi nhận sự hài lòng, tin tưởng. Cô Nhung xứng đáng là tấm gương giáo viên xứng đáng để đồng nghiệp học hỏi, noi theo…”, bà Phạm Thị Lê Hoàn - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lĩnh Nam nhận xét.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/co-giao-mam-non-su-dung-vat-lieu-moi-la-vao-bai-day-post729456.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/co-giao-mam-non-su-dung-vat-lieu-moi-la-vao-bai-day-post729456.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo mầm non sử dụng vật liệu mới lạ vào bài dạy