Giáo dục

Cô giáo người Tày nặng lòng với học trò dân tộc thiểu số

22/01/2025 15:45

Gần 10 năm gắn bó với học sinh vùng cao, cô Bế Thùy Trinh đã dạy các học trò hiểu biết cũng như khai thác sở trường riêng của mỗi cá nhân.

Quyết tâm trở thành cô giáo

Cô Bế Thùy Trinh (SN 1991) là người dân tộc Tày, theo học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2009. Tốt nghiệp năm 2013, cô về nhận công tác tại Trường THPT Trà Lĩnh, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Từ năm 2020 đến nay, cô được điều chuyển về Trường THPT thành phố Cao Bằng giảng dạy môn Địa lí.

Từ nhỏ, cô Trinh đã trải qua tuổi thơ đầy vất vả, cha mất sớm, mẹ cô là người nuôi dạy hai chị em ăn học, sống trong một căn nhà dựng tạm trên ngọn đồi. Song, nhiều cơn mưa lớn quét qua gây sạt lở đã phá hỏng nhà khiến cả gia đình càng thêm khó khăn.

Tuổi thơ nghèo khó đã trở thành động lực mỗi khi cô nghĩ về những cố gắng của mẹ. Sau khi đỗ lớp chuyên Văn tại trường THPT chuyên Cao Bằng, nhờ sự động viên của cô giáo, cô học trò Trinh đã dành tình yêu cho môn Địa lí và quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên để vừa tự lập học tập, vừa mong muốn được giúp đỡ những học trò lam lũ vùng quê.

trunh3.jpg
Cô Trinh tận tình hướng dẫn học trò khi tới trường dự thi.

Những ngày đầu nhận công tác ở ngôi trường cách nhà gần 40km, đường đi lại khó khăn; mùa đông nhiều ngày nhiệt độ vùng núi giảm sâu, thường xuyên có sương muối băng giá. Cô Trinh chạy xe máy đến trường mất hơn 1 tiếng, cứ như vậy 1 thời gian sau cô được sắp xếp ở nhà công vụ, mỗi tuần về nhà vào chiều thứ 7, đến chiều chủ nhật lại đi làm.

Trong suốt thời gian đó, cô Trinh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học, vừa tìm tòi được nhiều cách dạy hay gắn với đổi mới trong công tác giáo dục, được học trò vô cùng yêu quý.

Cô Trinh còn nhớ mãi kỷ niệm về lớp học đầu tiên: “Năm mới đi làm cũng là năm đầu tôi nhận chủ nhiệm lớp, sau 3 năm học và các em tốt nghiệp, các trò đã tổ chức sinh nhật cho tôi với 1 chiếc bánh bé xinh và gọi tôi là mẹ trẻ, nghe thân thương mà cả cô trò xúc động ôm nhau khóc”.

trinh-2.jpg
Cô Trinh và học trò chụp ảnh cùng nhau.

Nữ nhà giáo tâm niệm, khi dạy học trò về địa lí Tổ quốc, phải làm sao đảm bảo cho các em lĩnh hội được kiến thức trong SGK, vừa bồi dưỡng tình yêu nước, yêu con người và lòng tự hào dân tộc. Để làm được điều đó, bản thân nhà giáo phải tự trau dồi chuyên môn thông qua cập nhật sách vở, đồng thời cũng phải nghiên cứu để hiểu tâm lý học sinh hơn, không chỉ dạy các em học tập mà còn là người bạn thân thiện, luôn quan tâm tới từng học trò trong tập thể lớp.

Vũ Viết Xuân Lộc, học sinh lớp 12A10 Trường THPT thành phố Cao Bằng chia sẻ, năm lớp 11 được cô Trinh nhận dạy, từ một học sinh còn chán nản, chưa có ý chí học tập, em đã thay đổi nhờ những lời khuyên chân thành của cô.

"Em đã gửi cho cô bức thư tay cảm ơn vì những lời dạy của cô năm đó. Được đỗ vào ngôi trường mình mong muốn đã là niềm tự hào mà chúng em có quyền tự ghi nhận. Mỗi người có 1 sở trường riêng, không thể bắt con cá leo cây mà hãy phát huy sở trường của mình. Học Địa lí cô Trinh dạy thì sẽ luôn nhớ hướng để không bao giờ lạc lối”, Lộc tâm sự.

Góp nhiệt huyết vào công tác Đoàn

trinh-5.jpg
Những cống hiến của cô Trinh đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận, biểu dương.

Là Phó Bí thư Đoàn Trường THPT thành phố Cao Bằng, đối với cô Bế Thị Trinh, điều quan trọng ở người cán bộ đoàn trước hết nằm ở sự sáng tạo, đổi mới, luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đoàn viên thanh niên, có như vậy mới tổ chức nên các hoạt động thu về sự hưởng ứng.

“Đối tượng học sinh của mình là con em dân tộc thiểu số miền núi nên trong các chương trình hoạt động, tôi luôn định hướng cho các em về lòng nhân ái, tình yêu quê hương Cao Bằng”, cô Trinh cho hay.

Chia sẻ thêm về quan điểm này, cô Trinh bày tỏ, cũng xuất phát từ mục tiêu trên mà trong năm học trước, cô vừa đề xuất với nhà trường phát triển Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường” nhằm trang bị cho học sinh kĩ năng phòng tránh, tự bảo vệ bản thân.

"Chương trình đã thu về hơn 100 câu hỏi và 20 câu chuyện thực của học sinh gửi ẩn danh, bên cạnh đó là 8 ý kiến đóng góp trực tiếp tại diễn đàn để thảo luận phân tích và đưa ra giải pháp. Qua đây không chỉ trang bị kĩ năng cho các học trò mà bản thân những nhà giáo làm công tác tư vấn tâm lý cũng học hỏi được kinh nghiệm từ thực tế để làm tốt hơn nữa”, cô Trinh bày tỏ.

Bên cạnh công tác Đoàn, cô Trinh còn say mê với chuyên môn giảng dạy. Trong năm học 2020 – 2021 và năm học 2023 - 2024, cô đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; đồng thời trực tiếp tham gia ôn luyện học sinh giỏi các cấp. Năm học 2023 – 2024, cô bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường đạt 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích cấp tỉnh bộ môn Địa lí. Năm học 2024 – 2025 vừa qua cũng ôn luyện cho học sinh đạt 6 giải học sinh giỏi cấp tỉnh.

Cô Đặng Thị Hiến - Bí thư Đoàn thanh niên, giáo viên Trường THPT thành phố Cao Bằng chia sẻ: “Cô Bế Thùy Trinh là giáo viên trẻ năng động, sáng tạo. Từ công việc chuyên môn đến các công tác Đoàn, cô đều chủ động và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bản thân cô Trinh còn là giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để làm tiết học phong phú, hấp dẫn hơn nhằm thu hút học sinh”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/co-giao-nguoi-tay-nang-long-voi-hoc-tro-dan-toc-thieu-so-post716820.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/co-giao-nguoi-tay-nang-long-voi-hoc-tro-dan-toc-thieu-so-post716820.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo người Tày nặng lòng với học trò dân tộc thiểu số