Ở Nậm Khao khi đó cũng chưa có điện. Người dân làm điện nước để dùng. Cứ khi nào nước chảy mạnh thì bóng điện sáng, quạt quay nhanh, nước chảy yếu thì điện tối nhờ nhờ. Các thầy cô cũng xin “câu điện” nhờ của người dân để thỉnh thoảng bật quạt khi nóng quá. Còn ở lớp học thì hoàn toàn không có điện. Thầy với trò nhễ nhại mồ hôi dạy, học trong lớp học tuềnh toàng, lợp mái tôn.
Đến giữa năm 2016, cầu bắc qua sông Đà vào Nậm Khao được khánh thành. Đường điện, nước được đầu tư cho dân bản tái định cư. Nậm Khao đang dần thay áo mới nhưng ký ức về những ngày đi xuồng qua sông để mang cái chữ cho dân bản của cô Khuyên và những thầy cô khác sẽ còn mãi.
Giữ trò trên Pa Ủ
Kết thúc 8 năm công tác tại trường Nậm Manh và Nậm Khao, nữ giáo viên chuyển về giảng dạy tại một trường khó khăn hơn - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè).
Theo lời kể, năm đầu tiên, cô Khuyên dạy ở lớp học tạm ở điểm trung tâm. Năm đầu lớp học chuyển 4 chỗ. Năm sau, cô chuyển lên điểm bản Nhú Ma. Ở đó, điện nước cũng không có. Việc phải sống và dạy học trong điều kiện không điện, nước, sóng điện thoại khiến các thầy cô khá vất vả.
Sau giờ học, thầy cô mỗi người một việc. Người mang can đi hàng trăm mét xách nước suối về sinh hoạt, người lại tranh thủ đi trồng rau xanh để cải thiện cho những bữa ăn chỉ toàn đồ khô.
“Vào năm 2017, khi có điện lưới quốc gia về bản, tôi đã tự lắp đường điện vào điểm trường rồi mới về báo cáo nhà trường xin hỗ trợ kinh phí. Tôi cũng xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân được 30 triệu đồng để xây dựng 3 bể nước với sức chưa chừng 10m3 tại các điểm bản Ú Ma, Nhú Ma và Pha Bu. Có điện, nước, cô trò cũng đỡ vất vả” – cô Khuyên cho biết.
Với cô Khuyên, niềm vui lớn nhất trong sự nghiệp không phải là những bó hoa, những lời chúc to tát. Bởi từ lúc bước chân vào nghề, cô chỉ mong học sinh đi học đầy đủ, ngoan ngoãn khi lên lớp.
“Có 1 học sinh đã theo học lớp tôi 2 năm (lớp 2 và lớp 3). Cả năm lớp 2, tôi chỉ dành thời gian để giúp em ấy đánh vần đơn. Còn những vần ghép em ấy rất khó đọc. Nhưng sau 1 năm, khi thấy em ấy đã có thể đánh vần được những từ khó, tôi cảm thấy rất vui, niềm vui khó tả” – cô Khuyên chia sẻ.
Cô Phạm Thị Thái, Phó Hiệu trưởng trường Pa Ủ cho biết: “Trường hiện có 561 học sinh theo học ở 1 điểm chính và 6 điểm ở bản xa. Trong đó, có bản Cờ Lò là xa nhất, cách trung tâm gần 40km. Dạy học trên Pa Ủ cũng rất khó khăn, nhất là việc vận động học sinh đến trường”.
Cô Thái cho biết, cô Khuyên về trường công tác được 6 năm, giảng dạy các môn văn hoá. Từ công việc chuyên môn cho đến cuộc sống, cô giáo Khuyên luôn nỗ lực phấn đấu trong mọi mặt nên luôn được đồng nghiệp đánh giá cao, học sinh yêu quý.
“Cô Khuyên thường xuyên kết nối, hướng các nguồn xã hội hóa về trường và trường Nậm Ngà. Cô cũng được bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ” – cô Thái nói.
Huyện Mường Tè (Lai Châu) đang dần phát triển, giáo dục vùng cao biên giới từ đó cũng dần đổi thay. Cô Bùi Minh Khuyên và những người thầy, người cô vượt gian nan, vất vả sẽ mãi là những “ngọn đuốc sáng” trên biên giới Mường Tè xa xôi.