Cô hiệu trưởng luôn vận dụng sáng tạo phương pháp quản lý mới

Xuân Lương | 21/12/2022, 13:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gắn bó với nghề dạy trẻ 30 năm, cô Trần Thị Lan Thảo đã ghi dấu ấn trong sự nghiệp trồng người bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.

Luôn nỗ lực phấn đấu

Năm 1992, vừa tròn 20 tuổi, sau khi học xong ngành sư phạm mầm non, cô giáo trẻ Trần Thị Lan Thảo rời quê hương ở cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), nhận công tác tại Trường mầm non Họa Mi. Đây là trường mầm non duy nhất ở thị trấn Kế Sách.

Mới vào nghề, cô giáo trẻ không ít bỡ ngỡ khi đối diện với học sinh là các cháu nhỏ hồn nhiên, vô tư và nghịch ngợm. Bằng tình yêu nghề, mến trẻ, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, cô Lan Thảo đã vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, được các đồng nghiệp tin yêu.

Năm 1997, sau khi lập gia đình, cô Lan Thảo chuyển công tác về thị xã (nay là Thành phố Sóc Trăng), công tác ở các Trường Mầm non Hoa Phượng (phường 1, TP Sóc Trăng); Trường Mầm non phường 5, Phường 8 (TP Sóc Trăng); Hiệu trưởng Trường Mầm non 8 - 3 (phường 1, TP Sóc Trăng).

Từ năm 2009, cô được điều động về Trường mầm non Hoàng Yến (phường 3, TP Sóc Trăng) cho đến nay. Trong suốt 30 năm gắn bó với nghề, ở cương vị nào, cô Trần Thị Lan Thảo cũng luôn nỗ lực phấn đấu, tự học, tự rèn, thể hiện được vai trò, trách nhiệm, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ ngày về Trường mầm non Hoàng Yến, với nhiệm vụ là hiệu trưởng, cô Lan Thảo luôn tìm tòi, đổi mới, đưa ra những giải pháp hữu ích để xây dựng nhà trường ngày càng phát triển, vững mạnh về mọi mặt, luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu của ngành học mầm non địa phương.

“Để xây dựng nhà trường mạnh về mọi mặt, tôi cùng tập thể luôn tìm và đưa ra các giải pháp phù hợp với từng công việc, huy động tối đa sự sáng tạo của tập thể, đồng nghiệp, lấy trẻ làm trung tâm trong nhiệm vụ học tập và rèn luyện.

Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức phát động các phong trào thi đua học tập, phấn đấu, rèn luyện trong tập thể cán bộ, giáo viên và từng tổ chuyên môn; Đặc biệt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, phấn đấu “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm…”, cô Lan Thảo cho biết.

Sau bao nỗ lực của cô Lan Thảo và tập thể sư phạm nhà trường, quả ngọt cũng được đền đáp. Nhiều năm liền, nhà trường luôn đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; liên tục nhận cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” của Chủ tịch UBND tỉnh; từ năm 2015 - 2020, trường là “Điển hình tiên tiến ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2015 - 2020.

Năm học 2021 - 2022, trường được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT khen tặng Tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Năm 2019, trường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; tháng 8/2022, trường được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Cô hiệu trưởng luôn vận dụng sáng tạo phương pháp quản lý mới ảnh 1
Cô Trần Thị Lan Thảo luôn yêu nghề, mến trẻ.

Cây sáng kiến

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, cô Trần Thị Lan Thảo luôn vận dụng sáng tạo phương pháp quản lý mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho nhà trường thông qua những sáng kiến kinh nghiệm đi vào thực tiễn như: “Làm thế nào để đổi mới công tác quản lý giáo dục”, “Làm thế nào để huy động, vận động trẻ ra lớp, duy trì sĩ số, khắc phục trình trạng trẻ bỏ học tại Trường Mẫu giáo Hoàng Yến”…

Thầy Châu Triều Quốc, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng cho biết: “Cô Lan Thảo là một cán bộ rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cô rất nhiệt tình giúp đỡ giáo viên trong trường, chia sẻ những bài học hay, những kiến thức bổ ích, phương pháp, cách dạy học sinh, tổ chức hoạt động làm sao cho trẻ hứng thú, hiệu quả giáo dục cao; thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do ngành phát động”.

Chia sẻ về công việc của giáo viên mầm non, cô Lan Thảo cho biết: “Làm giáo viên mầm non rất bận bịu, thu nhập không cao như một số ngành nghề khác. Từ 6 giờ 30 phút các cô đã có mặt ở trường, chuẩn bị mọi thứ để đón các cháu vào học. Trưa lo cho các cháu ăn, ngủ đúng giờ giấc và cô cũng nghỉ lại với các cháu. Đến chiều, trả cháu cho phụ huynh xong mới về nhà. Phải thật sự yêu nghề, yêu trẻ mới trụ lại được với công việc.

Bên cạnh đòi hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, giáo viên mầm non phải có tình thương yêu, tính chịu khó, sự kiên trì, bền bỉ đối với học sinh của mình. Ngoài ra, giáo viên mầm non chúng tôi còn có trách nhiệm với gia đình nữa. Chúng tôi cố gắng thu xếp việc gia đình, nhà cửa để trọn vẹn đôi đường “việc nước, việc nhà”.

30 năm gắn bó với nghề, cô Trần Thị Lan Thảo đã đem hết khả năng, tâm huyết của mình cống hiến cho ngành giáo dục địa phương. Đóng góp của cô được ghi nhận qua nhiều danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, nhiều Bằng khen của UBND tỉnh; Giấy khen của Thành ủy, UBND TP Sóc Trăng, Liên đoàn Lao động TP Sóc Trăng... Năm 2014, cô vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2022, cô là 1 trong 3 nhà giáo tiêu biểu được Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng xét chọn Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 1982 - 2022.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô hiệu trưởng luôn vận dụng sáng tạo phương pháp quản lý mới