Sau nhiều năm đi vào thực tiễn, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã góp phần định hình một diện mạo mới cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, từng bước thể chế hóa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội và làn sóng công nghệ đang chuyển động mạnh mẽ toàn cầu, việc sửa đổi luật trở nên cấp thiết nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp, linh hoạt và thúc đẩy lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng mở, hiện đại, gắn với thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, quá trình xây dựng dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đang được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo bám sát các chủ trương lớn của Đảng, đồng thời phản ánh được những chuyển động mới của xã hội, thị trường lao động và khoa học công nghệ. Dự luật không chỉ kế thừa những điểm phù hợp của Luật năm 2014 mà còn hướng đến thể chế hóa các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng linh hoạt, đa năng và thích ứng nhanh.
Quá trình tổng kết thực tiễn thi hành Luật 2014 cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều bất cập và “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ. Trong đó, đáng chú ý là mô hình tổ chức, cơ chế tài chính chưa thực sự khuyến khích được sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp; cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn thiếu linh hoạt; phân tầng, phân cấp chưa rõ nét; kiểm định chất lượng chưa thực sự hiệu quả; chưa có nhiều chính sách tác động trực tiếp đến người học để tăng sức hút của giáo dục nghề nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Nguyễn Thị Việt Hương cho biết, dự thảo Luật sửa đổi đang được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đảm bảo tính phù hợp với Hiến pháp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ mở ra không gian pháp lý thuận lợi hơn cho đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng tự chủ, chất lượng và kết nối với doanh nghiệp.
Ông Trương Anh Dũng, Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên nhận định, để nâng cao chất lượng và tăng tính cạnh tranh của giáo dục nghề nghiệp, Luật sửa đổi cần thúc đẩy huy động tối đa các nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ khu vực doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài, đồng thời xây dựng cơ chế kiểm định mới, khách quan và hiệu quả hơn. Việc phân tầng, phân cấp và đẩy mạnh tự chủ là ba trụ cột quan trọng trong lần sửa đổi Luật này.
Ban soạn thảo dự thảo Luật hiện đang đề xuất 5 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp; cải tiến chương trình, tổ chức đào tạo và kiểm định chất lượng; tăng cường thu hút doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài; đổi mới cơ chế tài chính; tăng cường phân quyền, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Một số chuyên gia giáo dục đề xuất, dự thảo Luật sửa đổi cần làm rõ hơn vai trò thực chất của giáo dục nghề nghiệp trong cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân và trong thị trường lao động. Đồng thời, cần có chính sách tác động trực tiếp đến người học như hỗ trợ tài chính, học bổng, tín dụng đào tạo… nhằm tăng khả năng tiếp cận và giữ chân người học. Việc khuyến khích doanh nghiệp phối hợp đào tạo, thực hành và tuyển dụng cũng được nhấn mạnh như một giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả đầu ra và kết nối thực chất giữa nhà trường - doanh nghiệp - thị trường.