Cơ hội cho Việt Nam khi đầu tư vào trí tuệ nhân tạo

Phạm Khánh | 07/05/2023, 21:21
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chiều 7/5, tạp chí Tia Sáng tổ chức tọa đàm 'Đầu tư cho AI: Cơ hội nào cho Việt Nam'. GS Nguyễn Tiến Dũng là diễn giả tọa đàm.

Sở hữu nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI), GS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Trí tuệ nhân tạo Torus AI, nhìn nhận điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam hiện nay là có một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Việt Nam cũng đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng sáng chế AI.

Tuy nhiên, đầu tư cho AI tại Việt Nam còn đối mặt với một số thách thức như hạ tầng dữ liệu và tính toán mới đang ở mức sơ khởi. Dữ liệu dù có rất nhiều nhưng lại rải rác ở khắp nơi và nếu có dữ liệu thì chủ yếu chỉ ở dạng thô, chưa được xử lý và chuẩn hóa.

Ngoài ra, vì nguồn lực đầu tư còn hạn chế, Việt Nam hiện đang ưu tiên cho những vấn đề trước mắt và cấp bách như giáo dục, vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ, giảm nghèo...

Để giải quyết các khó khăn hiện nay, GS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng Việt Nam phải tăng cường đầu tư vào hệ sinh thái AI như điện toán đám mây, dữ liệu, thuật toán học máy, hệ thống luật lệ, chính sách...

Đồng thời, cần chọn lựa những lĩnh vực đầu tư có lợi thế, ít rào cản góp phần tăng giá trị thặng dư. Với những lĩnh vực còn yếu, cần nâng cao qua quá trình học hỏi, hợp tác hay nhập khẩu công nghệ.

Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, việc phát triển đầu tư cho AI sẽ giúp tăng năng suất lao động, chuyển bớt việc cho máy móc. Đơn cử, sự xuất hiện của ChatGPT, công cụ có thể làm thơ, viết luận, lập trình, dịch thuật... đã hỗ trợ con người trong hầu hết lĩnh vực đời sống.

Đánh giá nền kinh tế AI hứa hẹn mang lại một xã hội thịnh vượng và tiện lợi hơn cho con người, GS Nguyễn Tiến Dũng đồng thời cho rằng AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người.

“Nếu AI bắt chước con người, chúng ta lại tiếp tục sáng tạo, thay đổi, đổi mới. Có như vậy, AI sẽ không thể theo kịp con người. Nhưng điều này cũng đòi hỏi mỗi người phải có nền tảng kiến thức vững chắc và không ngần ngại thay đổi”, GS Nguyễn Tiến Dũng cho hay.

Tại Hội thảo, diễn giả cùng các chuyên gia, khách mời đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về cơ hội việc làm, đầu tư vào AI. Một số vấn đề các bên cùng quan tâm như những lĩnh vực mà AI có thể thay thế con người, ứng dụng AI trong nghề nghiệp hiện nay tại Việt Nam, tối ưu nguồn lực đầu tư...

GS Nguyễn Tiến Dũng là giáo sư hạng đặc biệt ở Pháp, tác giả của “định luật bảo toàn xuyến”, “định lý tuyến tính hoá groupoid” và những công trình toán học nổi tiếng khác. Năm 2019, ông sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo Torus AI xử lý tự động các thông tin, tín hiệu và hình ảnh trong nhiều lĩnh vực như thiên văn học, y tế (chẩn đoán các bệnh về da, bệnh hô hấp…), nông nghiệp….

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội cho Việt Nam khi đầu tư vào trí tuệ nhân tạo