Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết số 96/NQ-CP được ban hành thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trong đó có Hòa Bình. Ngành Giáo dục các địa phương trong vùng cần tranh thủ tận dụng thời cơ để huy động sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội nhằm tạo động lực cho sự phát triển của GD-ĐT. Xác định rõ vị trí, vai trò của sự nghiệp giáo dục đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân để chăm lo sự nghiệp giáo dục. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để khơi dậy sức mạnh toàn xã hội tham gia vào công tác giáo dục. Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước để đầu tư cho GD-ĐT.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 11-NQ/TW và Nghị quyết số 96/NQ-CP, Bộ GD&ĐT đã xác định mục tiêu cụ thể. Để triển khai thực hiện được các mục tiêu đó, tại Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng trung du - miền núi Bắc Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045 và triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các địa phương tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Đầu tiên là quy hoạch mạng lưới cơ sở GD-ĐT. Theo đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập; giảm các điểm trường lẻ, bảo đảm trẻ em, HS được chăm sóc, giáo dục ở các điểm trường trung tâm. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH và quy mô phát triển giáo dục từng địa phương trong vùng.
Chú trọng giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và tạo cơ hội phát triển khu vực giáo dục tư thục để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng công bằng thành quả giáo dục. Ưu tiên quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương.
Thứ 2 là bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục với việc đa dạng hóa các mô hình giáo dục, chương trình giáo dục, phương thức học tập để phù hợp với mọi đối tượng người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Tăng cường sự tham gia của các thiết chế văn hóa, giáo dục ngoài nhà trường và truyền thông đại chúng trong cung cấp cơ hội học tập suốt đời đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người. Ưu tiên củng cố, phát triển các trường PTDT nội trú, bán trú, trường phổ thông có HS bán trú, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Thứ 3 là tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng GD-ĐT, gồm: Đội ngũ GV; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo. Về đội ngũ GV, vấn đề cần quan tâm là thực hiện việc tuyển dụng số biên chế được giao bảo đảm về số lượng và chất lượng. Có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu GV, nhất là những môn học mới theo Chương trình GDPT 2018. Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở giáo dục sử dụng hợp lý đội ngũ GV nhất là các môn học đặc thù, môn học tích hợp liên môn.
Xây dựng phương án bố trí, sắp xếp GV dạy liên trường bảo đảm GV thực hiện đủ định mức chế độ làm việc theo quy định. Rà soát, hoàn thiện chế độ làm việc của GV; định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, GDPT phù hợp với vùng miền. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045. Tiếp tục thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo của GV theo lộ trình.
Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cần thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với các dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhà công vụ cho GV, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý giáo dục. Tiếp tục đầu tư bổ sung phòng tin học, phòng học có ứng dụng CNTT ở các cơ sở GDPT. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tài trợ, đầu tư xây dựng trường, lớp học. Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập góp phần giải quyết nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất trường học.
Về ngân sách Nhà nước đầu tư cho GD-ĐT, cần tăng cường sự phối hợp, thực hiện đồng bộ cơ chế phân bổ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục tại các địa phương trong vùng, bảo đảm chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục của vùng đạt tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Đổi mới cơ cấu sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước theo hướng tăng chi đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất và tăng cường quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục trong vùng.
Các nhiệm vụ khác cũng được Thứ trưởng nhấn mạnh, gồm: Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, GDPT, giáo dục thường xuyên. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững của vùng. Hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển GD-ĐT. Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển GD-ĐT.
Chia sẻ tại Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng trung du - miền núi Bắc Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045 và triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW mới đây, bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư hơn nữa các nguồn lực cho GD-ĐT đối với các tỉnh trong vùng. Có chính sách thu hút để CBQL, GV, nhân viên bảo đảm mức sống phù hợp với sự phát triển của KT-XH và thu hút được HS giỏi vào sư phạm. Nghiên cứu xem xét khi thực hiện Quyết định 861, có chính sách đặc thù riêng cho giáo dục với những xã đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới. Nghiên cứu xem xét cho phép các tỉnh miền núi trong giai đoạn trước mắt có thể được tuyển dụng GV đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của giai đoạn trước, đặc biệt là GV Tiếng Anh, Tin học. Cùng với đó, nghiên cứu, điều chỉnh, thay thế một số Thông tư quy định về định mức GV cho phù hợp.