Cơ hội tiếp cận giáo dục nào cho trẻ tị nạn?

15/07/2023, 10:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong hơn 13,7 triệu trẻ em tị nạn trên toàn thế giới, chưa đến 50% được tiếp cận giáo dục và đào tạo.

Bộ Giáo dục Vương quốc Anh cũng đã đầu tư 434 triệu bảng Anh vào các trường học để hỗ trợ những học sinh có ngôn ngữ bổ sung là tiếng Anh, nhưng các trường có thể sử dụng số tiền này theo cách họ muốn và không bắt buộc phải ưu tiên học sinh nhập cư.

Việc giáo dục và đào tạo trẻ tị nạn, nhập cư vẫn là thách thức lớn với các nước phát triển. Còn ở những quốc gia nghèo đói khác, trẻ tị nạn càng gặp thách thức lớn hơn khi tiếp cận giáo dục.

Kể từ khi xung đột leo thang ở Sudan vào tháng 4 năm nay, hàng ngàn người đã rời đất nước để tìm kiếm sự an toàn. Nhiều người trong số họ, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã tìm được nơi ẩn náu ở nước láng giềng Chad. Trong các khu tị nạn, nhu cầu xây dựng lớp học cho trẻ em trở nên quan trọng.

Ông Saleh, Hiệu trưởng trường trung học trong trại tị nạn Djabal, Chad, cho biết: “Trở ngại chính với trẻ tị nạn khi tiếp cận giáo dục là việc khan hiếm nguồn lực và khả năng hoà nhập kém vào hệ thống giáo dục địa phương.

Ở Sudan, giáo dục bằng tiếng Ả Rập trong khi ở Chad là tiếng Pháp. Ngoài ra, những người tị nạn từ Sudan đã mất một phần lớn năm học do xung đột xảy ra. Giáo viên phải nỗ lực rất nhiều để bù đắp vào khoảng thời gian đã mất đó cho học sinh tị nạn”.

Nhiều người Sudan đang tiếp tục đến Chad nhưng rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương. Chính phủ Chad cảnh báo các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở nước này hiện không có đủ năng lực để đáp ứng tất cả nhu cầu của người tị nạn, trong đó có giáo dục.

Cơ hội tiếp cận giáo dục nào cho trẻ tị nạn? ảnh 2

Giáo dục giúp trẻ tị nạn giảm tỷ lệ kết hôn và mang thai sớm.

Tiềm năng giáo dục cho trẻ tị nạn

Báo cáo mới đây của Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho thấy việc gia tăng các vấn đề xung đột, bạo lực đang phá huỷ khả năng tiếp cận giáo dục của hàng triệu trẻ em tị nạn trên thế giới.

Trong 13,7 triệu trẻ em là người tị nạn hoặc xin tị nạn, phải rời bỏ nhà cửa do khủng hoảng và bạo lực, gần 50% không được đến trường. Đáng chú ý, số lượng trẻ em tị nạn trên toàn cầu đang tăng hơn gấp đôi từ năm 2005 đến năm 2021 và tăng 132% chỉ riêng từ năm 2010 đến năm 2021.

UNHCR cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể giữa học sinh tị nạn đang theo học tại trường tiểu học và học sinh tị nạn theo học tại trường trung học. Đây là vấn đề lớn bởi trung học là cửa ngõ dẫn đến giáo dục đại học và cải thiện cơ hội việc làm. Tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu có thể giảm hơn 50% nếu tất cả người lớn hoàn thành chương trình trung học.

Cơ hội tiếp cận giáo dục nào cho trẻ tị nạn? ảnh 3

Trẻ em Ukraine làm quen với môi trường học tại Đức.

Riêng với trẻ em gái, thêm một năm học có thể nâng cao khả năng kiếm tiền trong tương lai lên 21%. Ngược lại, không thể tiếp cận giáo dục khiến trẻ tị nạn rơi vào vòng xoáy đói nghèo, bị dẫn dụ vào các tệ nạn xã hội, hoặc đối mặt với các vấn đề nguy hiểm như lao động trẻ em, mang thai sớm...

Đại dịch khiến cơ hội giáo dục của người tị nạn càng bị hạn chế nghiêm trọng. Covid-19 đã gây khó khăn cho tất cả trẻ em, nhưng đối với những người tị nạn trẻ tuổi, vốn đã phải đối mặt với những trở ngại đáng kể khi đến trường, có thể dập tắt mọi hy vọng nhận được nền giáo dục mà các em cần. 

Giám đốc UNHCR Filippo Grandi cho biết: “Những tiến bộ gần đây đạt được trong việc nhập học của trẻ em và thanh thiếu niên tị nạn hiện đang bị đe dọa. Đối mặt với thách thức này đòi hỏi một nỗ lực phối hợp lớn, và đó là một nhiệm vụ mà chúng ta không thể trốn tránh.”

Dữ liệu của UNHCR cho thấy những người tị nạn có trình độ học vấn cao hơn, sống khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn. Họ cũng có nguy cơ lây nhiễm HIV thấp hơn và giảm tỷ lệ kết hôn sớm và mang thai sớm.

Cơ hội tiếp cận giáo dục nào cho trẻ tị nạn? ảnh 4

Trẻ em Afghanistan học tập trong các trại tập trung tại Pakistan.

Trong bối cảnh trên, UNHCR kêu gọi các quốc gia đảm bảo quyền của tất cả trẻ em, bao gồm cả người tị nạn, được tiếp cận giáo dục trung học và đảm bảo chúng là một phần của hệ thống và kế hoạch giáo dục quốc gia.

Các quốc gia phải phát triển và ban hành các chính sách mạnh mẽ để đảm bảo đưa những người tị nạn trẻ tuổi vào hệ thống giáo dục quốc gia nhằm tạo cơ hội cho họ trau dồi kiến thức và thành công.

Ngoài ra, các bang có số lượng lớn người phải di dời cần hỗ trợ xây dựng năng lực: Thêm trường học, tài liệu học tập phù hợp, đào tạo giáo viên cho các môn học chuyên biệt, hỗ trợ và cơ sở vật chất cho các trẻ em tuổi vị thành niên, đồng thời đầu tư vào công nghệ và kết nối để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số. 

UNHCR nhấn mạnh giáo dục tị nạn mang lại những lợi ích to lớn. Khi những người tị nạn được tiếp cận giáo dục, họ trở thành những nhà lãnh đạo, những người phát triển ứng dụng, tìm ra phương pháp chữa trị bệnh tật, xây dựng các tòa nhà mới... Tất cả những điều này đều mang lại lợi ích cho cả người tị nạn và quốc gia tiếp nhận họ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-tiep-can-giao-duc-nao-cho-tre-ti-nan-post646626.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-tiep-can-giao-duc-nao-cho-tre-ti-nan-post646626.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội tiếp cận giáo dục nào cho trẻ tị nạn?