Có lương hưu, người lao động vẫn phải chạy xe ôm kiếm sống

Theo N.Hoàng | 15/01/2024, 17:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lương hưu không đủ sống khiến nhiều trường hợp người lao động sau khi nghỉ hưu vẫn phải bươn chải kiếm sống.

Nghỉ hưu đã 5 năm và đang hưởng lương hưu nhưng ông Nguyễn Trường Sơn (Nghiệp đoàn xe ôm quận 10) vẫn ngày ngày chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.

Ông Sơn cho biết, ông từng có hơn 20 năm làm việc tại một đơn vị sự nghiệp. Năm 2018, ông nghỉ hưu, khi ấy ông vừa đóng đủ 20 năm BHXH, đủ điều kiện để nhận lương hưu. Những tưởng cuộc sống sẽ dễ thở hơn nhưng khi nhận tháng lương hưu đầu tiên chưa tới 2 triệu đồng, ông rất hoang mang.

Ông Sơn kể: "Khi ấy, tôi còn mẹ già gần 90 tuổi phải phụng dưỡng, trong khi đó vợ thì bị suy tĩnh mạch, sức khỏe yếu không thể làm việc nặng, các con đều lấy vợ lấy chồng nhưng cuộc sống cũng khó khăn nên tôi đành gác lại mong muốn sống thảnh thơi tuổi già, quyết định chạy xe ôm toàn thời gian để kiếm sống".

Ông nói thêm, trước khi nghỉ hưu, ông đã bắt đầu kiếm thêm bằng việc chạy xe ôm ngoài giờ tuy nhiên lúc đó còn việc làm cố định nên làm thêm chỉ để có một khoản tích lũy. Tuy nhiên, khi nghỉ hưu, lương hưu không đủ lo cho gia đình, công việc ngoài giờ lại trở thành việc chính của ông.

Có lương hưu, người lao động vẫn phải chạy xe ôm kiếm sống - Ảnh 1.

Cuộc sống khó khăn, ông Nguyễn Trường Sơn được LĐLĐ quận 10 chăm lo Tết

Nếu siêng chạy và đông khách, mỗi ngày ông cũng kiếm được từ 200.000 đồng - 300.000 đồng, cộng với khoản lương hưu 3 triệu đồng (mức lương hưu đã tăng sau hơn 5 năm) mới xem như tạm đủ sống. Điều mà ông Sơn lo lắng là hiện nay ông đã ngoài 60 tuổi, không biết còn có thể chạy xe được bao lâu, vì vậy, ông rất mong, lương hưu của mình sẽ được cải thiện.

Ông Sơn không phải là trừng hợp duy nhất phải vất vả mưu sinh dù có lương hưu. Giống như ông, vì lương hưu thấp, bà B.X.H - một cán bộ Công đoàn tại quận Phú Nhuận cũng đã tiếp tục làm việc suốt hơn 10 năm qua. Bà H. cho rằng có lương hưu, người lao động khi về già sẽ bớt lo toan vì mỗi tháng có một khoản thu cố định. Mặt khác, có lương hưu, bà cũng không phải lo mua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, mức lương hưu thấp cũng là nỗi trăn trở của người lao động khi quyết định đóng BHXH lâu dài để hưởng hưu hay rút BHXH một lần.

"Là cán bộ Công đoàn, tôi ủng hộ người lao động nên chờ hưởng hưu để tuổi già bớt cơ cực nhưng thực tế từ bản thân tôi, với mức lương hưu được điều chỉnh nhiều lần trong hơn 10 năm qua nhưng vẫn thấp hơn so với lương tối thiểu vùng, nếu không đi làm sẽ không đủ chi tiêu trong cuộc sống. Vì vậy, tôi cho rằng lương hưu hiện vẫn chưa được như mong muốn của số đông công nhân. Vì vậy, để lương hưu hấp dẫn thì cách tính lương hưu lẫn mức đóng BHXH cần phải được tính toán lại cho hợp lý"- bà Huệ đề xuất.

Bà cũng bày tỏ băn khoăn khi tìm hiểu về nội dung giảm số năm đóng tối thiểu xuống còn 15 năm để hưởng lương hưu trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bởi với số năm đóng tối thiểu như hiện tại, lương hưu đã rất thấp, nếu còn giảm xuống thì tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam sẽ càng thấp, khó thu hút họ ở lại và đóng góp vào với quỹ BHXH.

Bài liên quan
Lễ Quốc khánh 2/9 năm 2024 người lao động nghỉ 4 ngày
Do đợt nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 vào cuối tuần nên người lao động được nghỉ tối đa liên tiếp 4 ngày từ 31/8- 3/9.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có lương hưu, người lao động vẫn phải chạy xe ôm kiếm sống