Sau thời gian nghỉ hè, bước vào năm học mới thì việc sử dụng điện thoại của học sinh như một thói quen khiến các thầy cô khá vất vả trong việc kiểm soát.
Đừng để điện thoại biến người học thành "tù binh" của mạng xã hội
Mới đây, chia sẻ trong lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM bày tỏ mong muốn Trường Phổ thông Năng khiếu phải là nơi không có điện thoại di động (ĐTDĐ) trong lớp học.
Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh: "Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt. Nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành "tù binh" của mạng xã hội và game. "Nhà tù" vô hình này có thể chôn vùi tuổi thanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em. Bớt sử dụng điện thoại, bớt những cám dỗ tầm thường, dồn tâm trí cho những công việc phi thường".
Trong diễn văn chia sẻ trước 2.000 tân sinh viên trúng tuyển vào trường năm nay, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Tú Anh - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng căn dặn người học: "Đừng chìm đắm trong mạng xã hội, TikTok; hãy sống lành mạnh và quan trọng là cân bằng giữa học tập, giải trí, tránh xa các cạm bẫy như bán hàng đa cấp và tỉnh táo trước các chiêu trò lừa đảo tinh vi hiện nay…".
Ảnh minh hoạ.
Cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học có đơn giản?
Cô Hà Thị Thủy - giáo viên dạy lớp 8 tại một trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho biết, việc học sinh mang ĐTDĐ đến lớp gần như không giúp ích gì cho việc học. Các em sẽ không tập trung học như lo nhắn tin, nhận tin nhắn và trả lời tin nhắn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học.
Tuy nhiên, việc cấm học sinh mang ĐTDĐ vào lớp theo tôi không hề đơn giản. Từ việc các em giấu điện thoại cho đến việc sử dụng thiết bị công nghệ mà không bị phát hiện đã trở thành thử thách khó lường cho nhiều giáo viên và cả nhà trường.
Theo cô Thuỷ, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành nội quy cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ trong trường học. Ở nước ta, nếu nội quy này được áp dụng thì tôi nghĩ hầu hết giáo viên và phụ huynh sẽ ủng hộ.
Trường hợp học sinh muốn tra cứu tài liệu trên mạng thì giáo viên có thể giao bài tập để các em có thời gian chuẩn bị trước ở nhà. Giáo viên cho học sinh hoạt động nhóm và phân chia công việc hợp lí thì các em không cần phải sử dụng điện thoại ở trên lớp.
Ngoài ra, giám thị, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thu ĐTDĐ của học sinh vào đầu giờ, cất vào tủ, đến cuối buổi học mới trả lại. Cùng với đó, gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc sử dụng ĐTDĐ của học sinh thì mới có thể kiểm soát được các tình huống bất thường phát sinh liên quan đến ĐTDĐ.
"Việc cấm tuyệt đối sẽ gây ức chế cho các em. Do vậy, theo tôi nên cho phép học sinh mang điện thoại đi học nhưng khi vào trường phải nộp cho bảo vệ hoặc giáo viên chủ nhiệm", cô Thủy nêu quan điểm.
Còn thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, thông thường học sinh mang ĐTDĐ để gọi điện cho người thân/tìm kiếm thông tin phục vụ học tập hay tham gia khóa học online.
Dù vậy, nếu không được quản lý và cho sử dụng ĐTDĐ tràn lan, học sinh sẽ dùng để chơi game cũng như các mục đích không chính đáng khác và gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc. Do đó, bước vào năm học mới, Trường THCS Thái Thịnh quy định học sinh không được mang ĐTDĐ tới lớp.
"Em nào mang điện thoại phục vụ hoạt động liên lạc thì phụ huynh phải trao đổi với thầy cô chủ nhiệm, học sinh tự giác để vào tủ chứa điện thoại của lớp và nhận lại sau khi kết thúc buổi học. Trường hợp cần sử dụng điện thoại cho việc tương tác khi tham gia các tiết học và hoạt động giáo dục, thầy cô sẽ thông báo tới phụ huynh và có hướng dẫn cụ thể với học sinh. Khi làm tốt thói quen này, các em sẽ tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn bè nhiều hơn. Qua đó lan tỏa văn hóa đọc cũng như hoạt động văn hóa thể thao cho học sinh", thầy Cường cho biết.
Để quản lý học sinh sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ, cô Nguyễn Thị Hương Giang - giáo viên Trường THPT Công nghiệp TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, giáo viên cần xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết và rõ ràng, chuẩn bị các tài liệu học tập số tích hợp vào bài giảng. Điều này giúp học sinh sử dụng điện thoại như một công cụ học tập thay vì phân tâm vào các ứng dụng khác. "Việc cấm sử dụng điện thoại trong học tập không đơn giản và không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất. Thay vì cấm hoàn toàn, nên cân nhắc để giáo dục ý thức học sinh về việc quản lý hiệu quả thời gian, cách sử dụng điện thoại một cách hiệu quả và có trách nhiệm", cô Giang đề xuất.
Theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT quy định học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Tuy nhiên, nếu được giáo viên cho phép thì học sinh vẫn được sử dụng điện thoại di động để phục vụ cho việc học tập ở trên lớp.