(GDTĐ) - Nhiều ba mẹ Việt Nam ngày càng có mong muốn và thói quen dạy con học bảng chữ cái sớm. Bởi ba mẹ luôn nghĩ rằng như vậy sẽ giúp con đi học tiểu học được thuận lợi và dễ dàng. Điều đó có thật sự đúng đắn? Có rất nhiều luồng quan điểm về vấn đề này. Dưới đây là những chia sẻ để ba mẹ tham khảo và đánh giá liệu rằng có nên hay không nên tiếp tục dạy con học bảng chữ cái trước khi đi học?
Gửi những ông bố bà mẹ mê giáo dục sớm, bài viết này có thể sẽ khiến cho nhiều người phải suy nghĩ lại và thay đổi quan điểm về vấn đề dạy con học bảng chữ cái từ nhỏ. Trẻ con ngày nay ngày càng thông minh hơn với những cơ hội phát triển vượt bậc hơn thời đại xưa của ông bà, bố mẹ chúng rất nhiều. Tuy nhiên, việc mong muốn con mình biết đọc biết viết sớm trước khi cho con đi học, đôi khi lại gây ra những tác hại dẫn đến tác dụng ngược cho trẻ và làm cho trẻ phát triển lệch lạc với lứa tuổi của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước phát triển trên thế giới cũng như ở cả Việt Nam đều quy định giai đoạn 5-6 tuổi là độ tuổi trẻ chính thức bước vào lớp 1 và bắt đầu học chữ, tập đọc, tập viết. Có thể đối với những trẻ có sự phát triển nổi trội hơn hẳn hay còn được gọi là thần đồng, thiên tài nhí thì bố mẹ trẻ cũng có thể cho trẻ phát triển hơn nữa bằng việc dạy con học bảng chữ cái sớm. Nhưng, đó không phải là số đông. Và chưa chắc các thần đồng học chữ sớm sẽ phát triển hơn những đứa trẻ bình thường trong tương lai nếu không được giáo dục đúng cách.
Khi con bạn chuẩn bị bước vào giai đoạn tiểu học, có những cơ hội được biết đến với việc nhận biết mặt chữ, ghi nhớ các chữ cái, cách ghép chữ… thì việc bạn dạy con học bảng chữ cái là điều có thể chấp nhận được. Nói cách khác, điều này còn được khuyến khích để giúp bé làm quen với các chữ cái và không bị bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1. Nhưng nhiều bố mẹ vì quá mong muốn con mình nổi trội hơn các bạn, mà đã bắt ép trẻ học chữ từ quá nhỏ hoặc yêu cầu trẻ phải biết đọc, viết thành thạo trước khi chính thức đi học đã gây ra những hậu quả đáng tiếc và trở thành kiểu nuôi con hết sức buồn cười.
Có thể các mẹ nhìn thấy những đứa trẻ xung quanh đều đi học sớm, học đọc học viết từ lứa tuổi mầm non mà lo sợ con mình bị kém cạnh và cứ thế, nhiều bố mẹ chạy theo đám đông mà ép con đi học sớm mà không biết rằng chính điều đó đã làm hại con mình. Việc dạy con học bảng chữ cái sớm có thể gây ra nhiều hại hơn là những cái lợi trước mắt nếu bố mẹ không có phương pháp giáo dục đúng cách và từ bỏ tham vọng con mình giỏi trước tuổi để áp đặt trẻ học quá nhiều so với lứa tuổi của mình.
Ở nước ngoài, giai đoạn 4-5 tuổi trẻ con được tự do vui chơi và phát triển trí thông minh cùng sức sáng tạo một cách tự nhiên cùng với ý thức rõ ràng. Trong khi xu hướng ngày nay ở Việt Nam là nhiều em bé chỉ mới 2-3 tuổi, thậm chí nhỏ hơn đã “được” bố mẹ cho đi học đủ các thể loại với mong muốn con mình trở thành thiên tài, từ lớp học thần đồng, học toán, học tiếng Anh, học múa, piano… Và phổ biến nhất với các phụ huynh là cho con học chữ từ bé.
Ai cũng mong muốn con giỏi, con thông minh, vậy nhưng có nhiều bố mẹ vì quá chạy đua theo “ phương pháp giáo dục sớm” cùng với “phát triển trí tuệ từ sơ sinh” một cách mù quáng và đã làm mất đi ước mơ và cơ hội phát triển đầy đủ với nhiều giá trị khác của trẻ. Bố mẹ nào cũng chạy theo trào lưu cho trẻ đi học trước khi vào lớp 1 hiện nay mà không cân nhắc những tác hại khôn lường, là giỏi đâu chưa thấy mà chỉ làm trẻ gặp phải những nguy cơ khôn lường mà nhiều bố mẹ có thể không biết những tác hại.
Nhiều bậc cha mẹ luôn lo sợ con mình kém hiểu biết so với bạn bè, thua các bạn ở lớp đã biết đọc biết viết và cố dạy con bảng chữ cái ngay từ khi lên 4 lên 5. Họ đem khoe với nhau con mình đã biết đọc chữ này chữ kia và tự hào vui mừng về việc con mình biết chữ từ nhỏ nhưng không biết rằng chính điều đó lại đang giết chết tính sáng tạo và thông minh đang rất phát triển ở trẻ độ tuổi này.
Theo phương pháp giáo dục và dạy con của người Nhật, từ 4 tuổi là độ tuổi trẻ phát huy tính sáng tạo tiềm ẩn bên trong tất cả mọi đứa trẻ một cách tối đa. Và nếu bố mẹ biết hướng đến những cơ hội cho trẻ tiếp xúc và khám phá nhiều hơn với mọi điều trong thế giới xung quanh, đó mới thực sự là giúp trẻ thành công trong tương lai. Việc cố ép con học chữ chỉ mang đến lợi ích trước mắt là trẻ biết chữ trước khi đi học, nhưng chính nó lại chỉ làm cho trẻ bị uốn nắn phát triển trong khuôn khổ của việc làm theo hướng dẫn và ghi nhớ, mà không rèn luyện tư duy cũng như suy nghĩ.
Theo các chuyên gia Tâm lý , giai đoạn 4 đến 5 tuổi là giai đoạn trẻ có như cầu vui chơi, khám phá thế giới xung quanh rất lớn. Lúc này, cơ thể trẻ chưa đủ trưởng thành để đáp ứng những nhu cầu cho việc ngồi một chỗ và học tập. Và quan trọng hơn là não bộ của bé ở độ tuổi này cũng sẽ dễ thích nghi với những kiến thức được bé tìm tòi, khám phá và tư duy một cách logic hơn là bị áp đặt ngồi học đọc, học viết.
Với trẻ dưới 6 tuổi, học trước sẽ làm cho trẻ không phát huy được những yếu tố tích cực để học tập và sẽ ảnh hưởng đến thể chất cũng như gây hại nhiều mặt cho quá trình phát triển của trẻ. Tay của trẻ chưa đủ độ khéo léo và cầm nắm vững chắc để cầm và điều khiển cây bút theo ý muốn của mình. Tất nhiên việc cho trẻ làm quen với viết chữ từ nhỏ hay dạy bé nhận biết mặt chữ sẽ tốt cho trẻ để dễ dàng thích nghi hơn khi đi học. Nhưng chính vì tuổi còn nhỏ nên khi chưa điều khiển được cây bút để viết được đẹp theo yêu cầu của bố mẹ, thầy cô, trẻ dễ bị nản và việc viết xấu sau này sẽ rất khó sửa chữa khi đi học.
Dạy bé học bảng chữ cái sớm ở độ tuổi dưới 6 tuổi còn gây hại về thói quen ngồi học của trẻ. Vì còn nhỏ nên con không thể tập trung ngồi học ngay ngắn như khi bước vào độ tuổi đi học chính thức được, nhất là các bé trai hiếu động sẽ thường nghịch phá, mải chơi khi bị ép ngồi học. Điều này hình thành nên thói quen ngồi học không tốt trong tương lai và vừa khiến bố mẹ thêm bực bội, còn trẻ lại càng ghét việc học.
Bố mẹ lại thường chỉ quan tâm đến trí tuệ, phát triển trí thông minh, mà không cho con rèn luyện những kĩ năng vận động thể chất rất cần phát triển ở giai đoạn này. Đây là lỗi mà nhiều bố mẹ thường mắc phải, trong khi cha mẹ các nước khác thường tập trung hơn cho phát triển thể chất ở 4-5 tuổi. Vì họ tin rằng chỉ có khỏe mạnh nhất thì mới có thể phát triển trí thông minh một cách tối đa và đáp ứng được những yêu cầu cho các giai đoạn sau.