Cổ phiếu biến động, hãng xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng vị trí thứ 8 thế giới

06/09/2023, 09:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cùng với đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VFS của VinFast tiếp tục điều chỉnh giảm, đưa giá trị vốn hóa của doanh nghiệp xuống đứng vị trí thứ 8 trong danh sách những hãng ô tô hàng đầu thế giới.

Trước áp lực tăng giá của thị trường dầu thô, chứng khoán Mỹ đã quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 5/9. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones mất 195,74 điểm (tương đương 0,56%) còn 34.641,97 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,42% xuống 4.496,83 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,08% xuống 14.020,95 điểm.

Cùng với đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ, mã cổ phiếu VFS của công ty xe điện VinFast cũng điều chỉnh giảm 3,37 USD/cổ phiếu, tương đương mức giảm 11,41% để đóng cửa ở mức giá 26,13 USD/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch ngày 5/9, có hơn 6,3 triệu cổ phiếu VFS được các nhà đầu tư sang tay.

Với giá đóng cửa 26,13 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 5/9, giá trị vốn hóa của VinFast giảm còn 60,68 tỷ USD. Với giá trị vốn hóa này, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tụt 2 bậc xuống đứng vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng những doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.

Doanh nghiệp đứng đầu lĩnh vực sản xuất ô tô là Tesla với giá trị vốn hóa 814,09 tỷ USD, Toyota đứng thứ 2 với giá trị vốn hóa 238,20 tỷ USD, đứng thứ 3 là Porsche với giá trị vốn hóa 99,01 tỷ USD, với giá trị vốn hóa 96,58 tỷ USD, hãng xe BYD của Trung Quốc đứng vị trí thứ 4, trong khi Mercedes-Benz đứng thứ 5 với giá trị vốn hóa đạt 77,14 tỷ USD.

Cổ phiếu biến động, hãng xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng vị trí thứ 8 thế giới - 1

Hãng xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đứng trong Top đầu những doanh nghiệp ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới

Phiên giao dịch ngày 5/9 chứng kiến sự vươn lên của BMW với giá trị cổ phiếu tăng 2,17% và giá trị vốn hóa đạt 68,43 tỷ USD, hãng xe Đức đứng vị trí thứ 6, xếp ngay phía trên một đồng hương khác là Volkswagen với giá trị vốn hóa 64,06 tỷ USD. Trong khi đó, đứng sau VinFast trong danh sách 10 hãng ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới là Ferrari với giá trị vốn hóa 57,38 tỷ USD và Stellantis của Hà Lan với giá trị vốn hóa 56,60 tỷ USD.

Ở lĩnh vực xe điện, VinFast tiếp tục đứng thứ 2 sau gã khổng lồ Tesla và bỏ xa các đối thủ phía sau là Li Auto với giá trị vốn hóa chỉ 39,66 tỷ USD, Rivian giá trị vốn hóa 22,17 tỷ USD, NIO giá trị vốn hóa 19,98 tỷ USD, hay Xpeng giá trị vốn hóa chỉ 18,75 tỷ USD,...

Thị giá của cổ phiếu VinFast đã có nhiều biến động sau khi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hôm 15/8 vừa qua, cổ phiếu VFS đã đạt mức cao hơn 90 USD vào cuối tháng 8 đưa giá trị vốn hóa doanh nghiệp tiến gần mốc 200 tỷ USD, nhưng hiện đang giao dịch quanh mức 30 USD/cổ phiếu.

Sự trỗi dậy nhanh chóng của VinFast và biến động thị trường khiến hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành tâm điểm chú ý vào giữa tháng 8. VinFast trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị thứ ba thế giới trong một khoảng thời gian ngắn chỉ trong vòng hai tuần kể từ khi IPO nhờ sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt Black Spade Acquisition. Thành tích đáng chú ý này không chỉ khiến các nhà phân tích ngạc nhiên mà còn là dấu hiệu cho thấy bối cảnh đang thay đổi của ngành công nghiệp ô tô và sức ảnh hưởng quá lớn của công nghệ mới.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2023 ở Jakarta, Indonesia ngày 4/9 vừa qua, bà Lê Thị Thu Thủy - Tổng giám đốc VinFast cho hay không cảm thấy lo ngại trước biến động của giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán vì tin vào tiềm năng của công ty.

Tổng giám đốc VinFast khẳng định hãng xe Việt đã làm được điều mà nhiều người nghĩ là không thể. Theo CEO của VinFast chia sẻ: “Ô tô rất phức tạp, chúng tôi sẽ không bao giờ có thể làm được. Đó là đánh giá của những người hoài nghi khi chúng tôi sản xuất xe hơi. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã làm được”.

Bà Thuỷ cho biết, VinFast đã bàn giao 11.300 xe điện trong nửa đầu năm, phần lớn ở Việt Nam. Theo bà, hệ sinh thái xe điện ngày càng phát triển ở Đông Nam Á sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của VinFast. Bà đề cập đến Indonesia, đất nước giàu niken (kim loại quan trọng trong sản xuất pin xe điện) và sở hữu ngành sản xuất pin lớn ở Đông Nam Á, như một lý do để lạc quan về ngành xe điện ở ASEAN.

Từ góc nhìn chuỗi cung ứng, bà Thuỷ cho rằng VinFast có thể nhập tất cả linh kiện từ khu vực Đông Nam Á. “Chúng tôi hoàn toàn có thể sản xuất xe điện trong ASEAN và xuất khẩu từ đây sang phần còn lại của thế giới”, CEO VinFast khẳng định, đồng thời nhắc lại việc VinFast đã chứng minh điều mà nhiều người từng cho là không thể kể từ khi công ty bắt đầu công cuộc sản xuất xe cách đây 6 năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổ phiếu biến động, hãng xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng vị trí thứ 8 thế giới