Sáng nay (19/7), cổ phiếu của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) tiếp tục bị bán tháo và giảm xuống mức giá 9.070 đồng/cp, với khối lượng dư bán ở mức giá sàn hơn 2 triệu đơn vị.
Sáng 19/7, trước cửa căn biệt thự của gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan trên đường Trần Quốc Thảo (TPHCM), xuất hiện nhiều xe công vụ của Bộ Công an. Ngay sau đó, hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên, kiểm sát viên... vào bên trong.
Cơ quan điều tra chưa công bố nội dung làm việc tại nhà bà Loan, tuy nhiên động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan. Trong đó có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (TPHCM).
Nhiều xe công vụ của Bộ Công an xuất hiện trước nhà CEO Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan, sáng 19/7
Thông tin trên khiến cho cổ phiếu QCG nhanh chóng rơi vào tình trạng “trắng bên mua”. Đây là phiên giảm điểm thứ sáu liên tiếp của cổ phiếu này, bất chấp xu hướng chung của thị trường. Như vậy, chỉ sau vài phiên giao dịch gần đây, QCG giảm khoảng 25%.
Sự sụt giảm mạnh mẽ này diễn ra ngay sau khi có thông tin về việc Bộ Công an tiến hành khám xét tại biệt thự của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, sinh năm 1960, quê gốc tại Phú Yên. Đi theo kinh tế mới và bước chân vào vùng đất Tây Nguyên, bà Như Loan nhận ra tiềm năng lớn về gỗ và mộc tại Gia Lai. Cùng với một người bạn, với số vốn ít ỏi, bà Như Loan đã thành lập một xưởng sản xuất và chế biến gỗ xuất khẩu.
Từ xí nghiệp tư doanh Quốc Cường, năm 1994, bà Loan đã đóng góp vốn và thành lập nên công ty Công ty xí nghiệp tư doanh Quốc Cường tại Gia Lai (tiền thân của Quốc Cường Gia Lai như bây giờ).
Cùng với ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức), bà Nguyễn Thị Như Loan trở thành một trong hai chủ buôn gỗ lớn nhất Gia Lai.
Sự thành công của các sản phẩm mộc đã giúp bà tích lũy được tài chính để mở rộng hoạt động kinh doanh. Bà Loan không chỉ đầu tư vào ngành gỗ mà còn mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh khác như cà phê và điều, phân bón...
Dấu mốc quan trọng là vào năm 2005, khi kinh doanh phân bón không thành công và một khách hàng nợ tiền xí nghiệp muốn chuyển nhượng bằng một khu đất, vị nữ tướng đã cùng đối tác đầu tư vào khu đất này, đánh dấu sự chuyển đổi sang lĩnh vực bất động sản.
Bằng cách lập ra Công ty TNHH Hoàng Anh, bà Loan bắt đầu hành trình kinh doanh đất đai và sau đó bán cổ phần tại Hoàng Anh để tập trung vào xây dựng đế chế riêng của mình.
Tháng 3/2007, với số vốn điều lệ là 259 tỷ đồng, công ty của bà Loan chính thức chuyển đổi thành CTCP Quốc Cường Gia Lai. Từ đó, Quốc Cường Gia Lai nhanh chóng trở thành một trong những DN nổi tiếng, mang về lợi nhuận đáng kể cho bà Nguyễn Thị Như Loan.
Từ lĩnh vực bất động sản đang nổi bật, bà Nguyễn Thị Như Loan, cùng Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, đã nhanh chóng mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng.
Vào năm 2012, công ty của bà đã xây dựng thành công 3 tổ máy thủy điện Iagrai với công suất lên đến 10,8 MW. Ngoài ra, bà còn mở rộng sang lĩnh vực trồng cao su tại Tây Nguyên, sở hữu hơn 4.000 ha cao su tại huyện Chư PRông và hơn 3000 ha tại Campuchia.
Tuy nhiên những năm gần đây, doanh thu của tập đoàn Quốc Cường Gia Lai giảm mạnh do thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, thủ tục hành lang pháp lý chồng chéo, và nguồn vốn cho vay thắt chặt từ phía ngân hàng.
Năm 2023, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 432 tỷ đồng doanh thu, giảm 66% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng, tương đương 1/10 kết quả đạt được năm trước đó. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 âm gần 33 tỷ đồng trong khi năm 2022 cũng âm hơn 121 tỷ đồng.
Tới quý I/2024, kết quả vẫn chưa khả quan khi doanh thu thuần chỉ đạt 39 tỉ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ và lãi ròng chỉ đạt gần 1,4 tỷ.
Theo giải trình, công ty cho biết, do thị trường bất động sản khó khăn, thủ tục pháp lý dự án còn chồng chéo, vẫn đang trong quá trình sửa đổi hoàn thiện. Do đó, thủ tục triển khai các dự án không được giải quyết, dẫn tới doanh thu và lợi nhuận suy giảm.
Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của tập đoàn bà Loan đạt mức 9.515 tỷ, trong đó lượng tiền mặt chỉ còn khoảng 29 tỷ đồng. Chủ yếu tài sản nằm ở giá trị hàng tồn kho với hơn 7.033 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của Quốc Cường Gia Lai hiện đạt 4.354 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 2.751 tỷ. Hiện tại, cá nhân bà Loan nắm hơn 37% cổ phần của Quốc Cường Gia Lai, còn con gái bà là Nguyễn Ngọc Huyền My nắm hơn 14% vốn điều lệ. Như vậy tổng tỷ lệ nắm giữ của 2 mẹ con trên 51% vốn công ty.
Tính đến hết ngày 31/3/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Quốc Cường Gia Lai là 534 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên sáng 19/7, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã giảm kịch sàn về dưới mốc 10.000 đồng/cp.