Cô Y Dung thấu hiểu học sinh dân tộc thiểu số

Trúc Hân | 25/02/2022, 07:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày nhỏ, Y Dung có cuộc sống khó khăn. Bố mẹ cô quần quật làm nương rẫy từ sáng đến tối. Khi đó, Y Dung mơ ước trở thành một giáo viên để góp phần thoát nghèo cho quê hương.

Cô giáo Y Dung luôn lắng nghe, chia sẻ với học trò.Cô giáo Y Dung luôn lắng nghe, chia sẻ với học trò.

Vượt khó trở thành giáo viên

Y Dung (SN 1991, dân tộc Xơ Đăng), giáo viên chủ nhiệm lớp 6E, Trường THCS Phan Đình Phùng (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thôn Khơk Klong (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy). Nhà đông con, cuộc sống túng thiếu nên ngay từ khi còn nhỏ Y Dung đã phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng và chăm sóc các em.

Chính vì đói nghèo đeo bám quanh năm nên Y Dung luôn ý thức được việc phải chăm chỉ học tập để sau này có cuộc sống đủ đầy hơn. Bên cạnh thời gian phụ giúp gia đình, sáng sớm hoặc đêm muộn Y Dung lại cặm cụi ngồi vào bàn học tập.

“Từ nhỏ, mình luôn cố gắng chăm chỉ học tập để sau này tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, mình luôn mong ước có thể trở thành một người giáo viên, đồng hành, san sẻ khó khăn với học trò”, cô Y Dung tâm sự.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp THPT, Y Dung xuất sắc thi đậu vào Khoa Hóa Sinh, Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Vừa học, Y Dung còn làm thêm để đỡ đần bố mẹ. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ra trường, Y Dung xin dạy hợp đồng tại Trường THCS xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy). Nhưng do không có chỉ tiêu, nên đến năm 2015, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy chấm dứt hợp đồng đối với cô giáo Y Dung.

Trong thời gian tìm công việc mới, Y Dung làm đủ mọi nghề để trang trải cuộc sống và lo toan cho gia đình. Tuy nhiên, niềm đam mê, ước mơ đứng trên bụng giảng của cô Y Dung vẫn luôn cháy bỏng.

Bẵng đi 2 năm, khi nghe tin huyện Sa Thầy có đợt thi tuyển giáo viên hợp đồng, Y Dung lại sáng đèn, miệt mài trau dồi kiến thức và kỹ năng Sư phạm. Kết quả không phụ sự mong đợi khi cô Y Dung trúng tuyển và được phân công về Trường THCS Phan Đình Phùng giảng dạy, cách nhà khoảng 40km.

“Lớp mình giảng dạy 100% đều là học sinh dân tộc thiểu số. Các em chủ yếu nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng tiếng địa phương nên Tiếng Việt còn hạn chế. Bên cạnh đó, học sinh khá nhút nhát và rụt rè nên giáo viên phải quan tâm, chia sẻ để thấu hiểu các em nhiều hơn. Đó là khó khăn mà mình gặp và phải vượt qua trong những ngày đầu giảng dạy”, cô Y Dung chia sẻ.

Chia sẻ, hỗ trợ học trò

Cô Y Dung luôn mong học trò chăm chỉ học tập để có cuộc sống đủ đầy hơn.

Thương học trò thiếu thốn, cô Y Dung dành nhiều thời gian quan tâm, trò chuyện để thấu hiểu các em hơn. Những em nào khó khăn, cô Dung chia sẻ, hỗ trợ và động viên học sinh cố gắng đến trường.

“Một số gia đình không quan tâm đến việc học của con em mình nên để các em ở nhà làm nương rẫy. Do đó, mình cùng giáo viên trong trường thường xuyên đến nhà động viên, tuyên truyền để phụ huynh cho con đến lớp. Bởi, có học và biết con chữ mới giúp cuộc sống của các em đủ đầy hơn. Với những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mình vận động người thân, bạn bè, các nhà hảo tâm hỗ trợ”, cô Y Dung nói.

Bên cạnh công tác giảng dạy trên lớp, cô Y Dũng còn bồi dưỡng, hướng dẫn đội tuyển học sinh giỏi Hoá học và Sinh học của nhà trường. Từ đó, giúp các em tiến bộ, nâng cao năng khiếu, sở trường của bản thân và đạt được một số giải trong cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện.

Trước những nỗ lực và cống hiến của bản thân, năm học 2020- 2021, cô Y Dung được công nhận là giáo viên giỏi cấp huyện.

Thầy Phạm Đình Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng cho biết, cô Y Dung là một giáo viên trẻ rất năng động, nhiệt tình trong việc dạy học cũng như hỗ trợ, giúp đỡ học sinh. Dù có khó khăn, thử thách nhưng cô Y Dung luôn cố gắng khắc phục và vượt qua. Do đó, cô Y Dung luôn được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh tin tưởng, yêu mến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô Y Dung thấu hiểu học sinh dân tộc thiểu số