Coi xã hội hóa như giải pháp đặc thù của giáo dục Hưng Yên

Hiếu Nguyễn | 08/04/2023, 15:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 8/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.

Coi xã hội hóa như giải pháp đặc thù của giáo dục Hưng Yên ảnh 5
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

Khắc phục thiếu giáo viên trước áp lực tinh giản biên chế

Giải trình liên quan đến việc thiếu nhiều giáo viên, Giám đốc Sở Nội vụ Hưng Yên Lê Quang Hòa cho biết, nguyên nhân quan trọng nhất liên quan đến việc phải thực hiện tinh giản biên chế; khó khăn trong nguồn tuyển, đặc biệt với cấp mầm non, THCS khi áp dụng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Bên cạnh đó, Hưng Yên cũng là một trong những địa phương có tổng biên chế được giao rất thấp so với cả nước.

Trước khó khăn này, theo ông Lê Quang Hòa, địa phương đã có giải pháp giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách thay vì giảm biên chế. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Nội vụ tham mưu 2 nghị quyết về thu hút nhân lực chất lượng cao và thu hút giáo viên về tỉnh… Ông Lê Quang Hòa kiến nghị, Trung ương sớm giao biên chế năm 2023; sớm có định biên theo vị trí việc làm và định mức; đồng thời sớm hoàn thiện chính sách về tự chủ trong giáo dục…

Liên quan đến vấn đề chuyên môn, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phê chia sẻ: Để chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, từ năm học 2014-2015 đến nay, ngành GD-ĐT Hưng Yên đã triển khai một số phương pháp, mô hình dạy học tiên tiến. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp về đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đây là điều kiện thuận lợi, là tiền đề cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá từ trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018 nên không gặp khó khăn trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và thực hiện chương trình.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo trường tiểu học, THCS cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng giáo viên Tin học và Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí theo kế hoạch của UBND tỉnh. Sau khi giáo viên hoàn thành khóa học, được cấp chứng chỉ.

Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên, các trường đã chủ động xây kế hoạch dạy học, phân công giáo viên giảng dạy các bộ môn đã được bồi dưỡng ở lớp 3, 6, 7. Hiện tại cơ bản đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy môn học Tin học và Công nghệ ở khối lớp 3; môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở khối lớp 6, lớp 7.

Ở THPT, các trường đã xây dựng kế hoạch và sắp xếp tổ hợp nhóm 4 môn lựa chọn dựa trên điều kiện thực tế của đội ngũ giáo viên hiện có và hiện trạng điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường. Năm học 2022-2023, 100% các trường THPT đã tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học phù hợp với năng lực học sinh và đáp ứng được nhu cầu của người học.

Bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật hiện chưa có giáo viên. Tuy nhiên khi có học sinh đăng ký tự chọn học môn này, các nhà trường được phép hợp đồng giáo viên theo Công văn số 3018/UBND-NC của UBND tỉnh triển khai giải pháp quản lý đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế theo Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ.

Coi xã hội hóa như giải pháp đặc thù của giáo dục Hưng Yên ảnh 6
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Coi xã hội hóa là giải pháp đặc thù

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thông qua đây, Bộ GD&ĐT thu hoạch được rất nhiều để chuẩn bị cho các chính sách, chỉ đạo trong toàn ngành. Theo Bộ trưởng, qua cuộc giám sát để thấy được sâu hơn, thấu hơn công việc của ngành; ngành Giáo dục cũng qua đây được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn.

Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã rất quan tâm đến giáo dục, thể hiện qua các nghị quyết, các văn bản chỉ đạo, chính sách cho ngành… Nhận định điều này, góp ý với báo cáo của tỉnh Hưng Yên gửi Đoàn giám sát, Bộ trưởng đề nghị cần tăng cường đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh; làm rõ từng sở, ngành, địa phương triển khai đến đâu, cùng với đó là hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Tăng thêm yếu tố chuyên môn cho báo cáo cũng là lưu ý của Bộ trưởng với tỉnh Hưng Yên. Bộ trưởng nhấn mạnh, cốt lõi nhất của đổi mới lần này là ở yếu tố chuyên môn - đó mới là chất, linh hồn của đổi mới. Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá thêm về những thay đổi của hoạt động dạy và học khi chương trình mới trao quyền chủ động, sáng tạo nhiều hơn cho địa phương, nhà trường, giáo viên.

“Giáo viên có gì thay đổi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới? Tâm trạng giáo viên ra sao? Mức độ đổi mới thế nào? Giáo viên đã được hỗ trợ chưa?...” đặt những câu hỏi này với yêu cầu làm rõ trong báo cáo, Bộ trưởng đồng thời khẳng định: mức độ đổi mới của giáo viên sẽ thể hiện mức độ thành công của đổi mới.

Nhấn mạnh đổi mới có mục tiêu cần làm ngay nhưng cũng có những khoảng để địa phương dần thực hiện từng bước, Bộ trưởng mong muốn, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã quan tâm thì tiếp tục “lăn xả” chỉ đạo, ưu tiên đầu tư. “Công cuộc đổi mới này phải có đầu tư đặc biệt, nhất là năm 2023-2024, trọng tâm đổi mới rơi vào 2 năm này. Lúc này cần trường học, lớp học, thiết bị, cần giáo viên... Nếu không cố gắng con em Hưng Yên thiệt thòi”, Bộ trưởng nói.

Đề cập tới những giải pháp đặc thù của từng địa phương, Bộ trưởng gợi mở: Hưng Yên phải coi việc đẩy mạnh xã hội hoá như một giải pháp đặc thù. “Khu vực này đời sống người dân tương đối tốt, yêu cầu trường học chất lượng tốt là có thật. Đẩy mạnh xã hội hoá như giải pháp đặc thù của Hưng Yên. Câu chuyện căng thẳng giáo viên giảm đi, huy động được nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục”. Bộ trưởng phân tích, đồng thời nhấn mạnh tỉnh Hưng Yên nên có chính sách riêng cho việc này.

Coi xã hội hóa như giải pháp đặc thù của giáo dục Hưng Yên ảnh 7
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.




Chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh hết sức quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết được triển khai rộng rãi. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa là rất rõ ràng và đã chuyển biến thành hành động thiết thực, đem lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn vấn đề tồn tại, hạn chế cần tiếp tục có giải pháp tháo gỡ.

Yêu cầu các sở ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đồng thời chia sẻ giải pháp của địa phương trước những khó khăn, vướng mắc; một trong số đó là triển khai xã hội hóa. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Xã hội hóa giáo dục là câu chuyện rất lớn đối với Hưng Yên và tới đây địa phương sẽ có giải pháp cụ thể, căn cơ để triển khai vấn đề này.

Sự nghiệp GD-ĐT là của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Các quốc gia đều quan tâm đến sự nghiệp GD-ĐT, khoa học - công nghệ. Đầu tư cho giáo dục, khoa học công nghệ là đầu tư khôn ngoan cho sự phát triển. Sự nghiệp GD-ĐT là của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, không phải của riêng ngành Giáo dục.

Với tỉnh Hưng Yên, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý: Địa phương có nhiều mô hình, cách làm tốt, cần tổng kết, nhân rộng. Những vấn đề hạn chế, tồn tại cần tiếp tục phân tích, tìm nguyên nhân để quan tâm đầu tư xử lý. Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính trong GD-ĐT. Tăng cường bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, nâng cao hơn nữa nhận thức cho đội ngũ giáo viên, bởi thầy tốt thì có trò tốt; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ; thu hút nguồn lực cho giáo dục. Giáo dục học sinh có trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình, xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh: Hưng Yên cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong toàn ngành. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm ở các cơ sở giáo dục. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong ngành.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền mạnh mẽ về Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, Nghị quyết 51, những vấn đề có liên quan đến GD-ĐT để xã hội, nhân dân đồng tình ủng hộ. Cuối cùng là đổi mới trong quản lý giảng dạy, học tập, tạo động lực phát triển toàn diện ngành Giáo dục…

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/coi-xa-hoi-hoa-nhu-giai-phap-dac-thu-cua-giao-duc-hung-yen-post633518.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/coi-xa-hoi-hoa-nhu-giai-phap-dac-thu-cua-giao-duc-hung-yen-post633518.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Coi xã hội hóa như giải pháp đặc thù của giáo dục Hưng Yên