Dù có nhiều cảnh quan ấn tượng như địa hình núi đá vôi và hang động kỳ lạ nhưng Vang Vieng vẫn khép mình trước thế giới bên ngoài vì thiếu phương tiện đi lại.
"Kể từ khi khai trương tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, từ Viêng Chăn đến Vang Vieng chỉ mất 1 giờ đồng hồ, giá vé rẻ hơn so với đi xe buýt. Lượng khách du lịch đổ đến Vang Vieng đã tăng gấp 2, 3 lần trước đây", nhân viên nhà ga Anhsamay Gnommilavong nói.
Trong dịp nghỉ Tết, các ga Viêng Chăn và Vang Vieng đông nghịt người. Một số về quê đoàn tụ gia đình, một số đi thăm các địa điểm du lịch, cũng có những du khách đến từ Châu Âu và Châu Mỹ.
Một du khách người Canada tên Michael ở ga Vang Vieng cho biết, đây là lần thứ hai anh đi du lịch Lào cùng gia đình.
"Lần trước chúng tôi chỉ đến Viêng Chăn do đi lại bất tiện. Giờ đây với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc thuận tiện và thoải mái, chúng tôi có thể đi vòng quanh miền bắc Lào. Tôi tin hành trình này sẽ rất thú vị", anh nói.
Thống kê của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho thấy, kể từ khi tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc đi vào hoạt động, nó đã kích hoạt nền kinh tế du lịch Lào, khi 85% khách du lịch từ Viêng Chăn đến Luang Prabang đã chọn đi tuyến đường sắt này.
Theo dữ liệu từ Cục Tiếp thị Du lịch của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, trong nửa đầu năm nay, nước này đã đón hơn 1,6 triệu khách du lịch nước ngoài, so với chỉ 42.197 một năm trước, tăng gần 38 lần . Bộ Du lịch Lào dự đoán khoảng 368.000 lượt du khách Trung Quốc sẽ đến thăm Lào vào năm 2023, tăng 21% so với năm 2022.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Thipphakone Chanthavongsa cũng khẳng định, ngành du lịch là nguồn dự trữ ngoại hối chính và nó được coi là chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế Lào.
Liên kết đất liền đến liên kết toàn cầu
Theo Tân Hoa Xã, tuyến đường sắt giờ đây sẽ trở thành “chìa khóa vàng” để Lào kết nối với Trung Quốc và các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), điều này sẽ tác động tích cực đến Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN và Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Kông mở rộng.
Hành khách xếp hàng mua vé tại ga Viêng Chăn vào tháng 4/2023. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Lào (KPL) Khampheuy Philapha cho biết: "Dịch vụ vận chuyển hành khách xuyên biên giới của tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào sẽ hỗ trợ chính sách của chính phủ Lào trong việc chuyển mình từ một quốc gia không giáp biển thành một quốc gia liên kết trên đất liền, trở thành quốc gia liên kết khu vực hoặc thậm chí là liên kết toàn cầu".
Không chỉ ở Lào mà các nhà khai thác kinh doanh ở Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar đang sử dụng tuyến đường sắt này để vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Trung Quốc và xa hơn nữa.
Thái Lan đang vận chuyển khối lượng hàng hóa ngày càng tăng đến Trung Quốc bằng đường sắt, chủ yếu là nông sản. Thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt là 3 ngày, nhanh hơn nhiều so với tuyến vận tải đường bộ trước đây.
Công ty vận tải China Railway Materials hôm 12/6 cho biết, khoảng 500 tấn sầu riêng và các loại trái cây khác đã được vận chuyển từ nhà máy đóng gói trái cây ở Thái Lan đến thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
Được bảo quản trong 28 container lạnh, sầu riêng măng cụt và các loại trái cây nhiệt đới khác rời khỏi các đồn điền ở Thái Lan và đến trung tâm hậu cần đường sắt Xiaonanya, Trùng Khánh trong 88 giờ, mở ra một liên kết chuỗi cung ứng lạnh nối các đồn điền trái cây với các thị trường bán lẻ ở khu vực tây nam Trung Quốc.
Công ty cho biết, sau khi trái cây được đưa lên các chuyến tàu ở Viêng Chăn, chỉ mất 52 giờ để đến Trùng Khánh, là hình thức vận chuyển rẻ hơn và nhanh hơn so với vận tải đường biển và đường bộ truyền thống, lập kỷ lục về hiệu quả vận chuyển.
Theo Deng Haoji, giám đốc của Chongqing Hongjiu Fruit, chuyến tàu tốc hành sầu riêng đã giảm hơn một nửa thời gian vận chuyển. "Điều này cho phép sầu riêng Thái Lan vào thị trường Trung Quốc với giá rẻ hơn".
China Railway Materials cho biết việc vận chuyển hàng hóa thành công sẽ đặt nền tảng cho hoạt động thương mại thường xuyên trong tương lai.