Do quá hoang mang lo lắng, bà C. đã nhanh chóng chuẩn bị 2 sổ tiết kiệm của mình có khoảng 300 triệu đồng định chuyển cho “đồng chí Công an”. Qua công tác nắm tình hình địa bàn và nguồn tin của cán bộ cơ sở, Thượng úy Nguyễn Ngọc Khoa, cán bộ Cảnh sát khu vực phường Phạm Đình Hổ phụ trách đã kịp thời có mặt.
“Khi tôi đến nhà bà C. thì thấy đối tượng đang nói chuyện qua video với nạn nhân. Hình ảnh cho thấy đối tượng đã sử dụng công nghệ “deepfake”, giả danh Công an để lừa đảo nên tôi trực tiếp cầm máy điện thoại để nói chuyện. Thấy vậy, đối tượng tắt máy và chặn liên lạc luôn” - Thượng úy Nguyễn Ngọc Khoa kể lại.
Cũng theo Thượng úy Nguyễn Ngọc Khoa, đây không phải một lần. Qua công tác quản lý địa bàn, Công an phường đã tuyên truyền, nhắc nhở với bà C. và nhiều người dân khác về thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, song, do tâm lý hoang mang nên bà C. vẫn “sập bẫy”. Rất may, Công an phường đã kịp thời ngăn chặn vụ việc, bảo toàn số tiền 300 triệu đồng cho nạn nhân.
Chỉ huy Công an phường cho biết, thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng người già, cao tuổi, sử dụng chưa thành thạo điện thoại thông minh và mạng viễn thông. Chúng sử dụng công nghệ “deepfake”, ghép mặt của chúng vào bộ cảnh phục Công an nhân dân với mục đích giả danh cán bộ Công an thực hiện hành vi lừa đảo, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu hoặc chuyển tiền cho chúng.
Công an phường Phạm Đình Hổ khuyến cáo người dân không nghe theo bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, giả mạo là “Viện kiểm sát, Toà án, Bộ Công an....” để làm việc qua điện thoại. Mọi thủ tục liên quan đến người dân sẽ được chính quyền và Công an cấp cơ sở thông báo cho người dân để phối hợp thực hiện.