Bên cạnh đó, công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, cấp giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, cơ quan quản lý sẽ thu thập mống mắt (bắt buộc), ADN, giọng nói (người dân tự nguyện) của công dân, bên cạnh việc lấy vân tay.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1, 3 điều 46 luật Căn cước thì thẻ căn cước công dân (CCCD) vẫn có giá trị sử dụng hết thời hạn ghi trên thẻ. Các trường hợp thẻ CCCD, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1 đến trước ngày 30-6 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.
Do đó, người dân có thẻ CCCD, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1 không cần phải làm thủ tục cấp đổi thẻ và chờ làm thẻ căn cước mới khi luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết từ nhân sự, trang thiết bị, công tác rà soát công dân đến độ tuổi cấp thẻ căn cước (14 tuổi), công dân đến độ tuổi đổi thẻ CCCD do hết hạn (25, 40, 60 tuổi), công dân dưới 14 tuổi có nhu cầu cấp thẻ căn cước… Sự chuẩn bị này nhằm triển khai có hiệu quả luật Căn cước trên địa bàn TP.HCM ngay sau khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Công an.
Hiện nay, Bộ Công an đang gấp rút chuẩn bị về mặt hạ tầng kỹ thuật để việc thu thập dữ liệu mống mắt (bắt buộc thu thập), ADN, giọng nói (người dân tự nguyện) vào cơ sở dữ liệu căn cước khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước.
Do đó, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói dù không bắt buộc phải đổi thẻ CCCD sang thẻ căn cước nhưng khuyến khích người dân nên đi bổ sung dữ liệu sinh trắc học về ADN, mống mắt và giọng nói.
Việc này mang lại rất nhiều lợi ích, như liên quan đến sức khỏe hoặc bị giả mạo thì dữ liệu sinh trắc học sẽ giúp xử lý chính xác và nhanh hơn.