Công cụ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu

Mai Nhật | 24/04/2022, 12:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hệ thống có tên là iScholar hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học với những chức năng giúp tăng tương tác, những gợi ý giúp công việc của nhóm dễ dàng hơn.

Sinh viên có nhiều công cụ để nghiên cứu khoa học hiện đại. Ảnh minh họaSinh viên có nhiều công cụ để nghiên cứu khoa học hiện đại. Ảnh minh họa

Hóa giải khó khăn

Sản phẩm được tạo ra bởi giảng viên Phạm Xuân Lâm cùng các sinh viên Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số xây dựng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) và phát triển từ tháng 8/2021 - 2/2022. Hệ thống hỗ trợ nghiên cứu khoa học tích hợp một số tính năng nổi bật như mindmap, realtime, collaboration, scaffolding, smart systems (gợi ý người phản biện), auto suggestion, Gen Doc…

Người nghiên cứu khoa học phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Khảo sát cho thấy, các nhân tố gây khó khăn cho người tham gia nghiên cứu khoa học được chia làm hai nhóm chính là trước khi nghiên cứu: Tìm đề tài, tìm người hướng dẫn và khi nghiên cứu là viết báo cáo, rào cản ngôn ngữ, gửi báo cáo cho tạp chí, khảo sát...

Nắm rõ được vấn đề đó, nhóm đã xây dựng một hệ thống mục tiêu giải quyết những khó khăn. Hệ thống này sử dụng trên nền tảng website thân thiện, dễ tiếp cận nhất cho người dùng. Dữ liệu cung cấp cho website này là các mẫu câu gợi ý bằng tiếng Anh khi viết báo cáo nghiên cứu và hơn 50.000 bản ghi thông tin dữ liệu các tạp chí thuộc danh mục Scopus, một danh mục chứa bản tóm tắt về các bài báo khoa học cung cấp thông tin nơi gửi báo cho các nhóm nghiên cứu.

Với phương pháp sơ đồ tư duy - mindmap được áp dụng để xây dựng bộ khung tổng quát của quá trình nghiên cứu, từ đề tài rẽ nhánh sang các vấn đề, giải pháp, phát hiện thông tin hay bố cục của một bài báo nghiên cứu. Hệ thống cho người dùng trải nghiệm tương tác trực tiếp với nhau trên thời gian thực. Từ những chỉ dẫn đó mà người dùng cảm thấy dễ dàng có hướng đi hơn trong bước đầu nghiên cứu, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công việc nghiên cứu.

Với giản đồ ý, người ta có thể tìm ra gần như vô hạn số lượng các ý tưởng và cùng một lúc sắp xếp lại các ý đó bên cạnh những ý có liên hệ. Điều này biến phương pháp này trở thành công cụ mạnh để soạn các bài viết và tường thuật, khi mà những ý kiến cần phải được ghi nhanh xuống. Sau đó tùy theo các từ khóa (ý chính) thì các câu hay đoạn văn sẽ được triển khai rộng ra.

Hệ thống cho phép một nhóm người dùng cùng truy cập trên cây mindmap cộng tác chỉnh sửa trực tiếp. Hiện nay, có nhiều hệ thống đã tích hợp tính năng này tuy vậy không thể không nhắc đến nó như một linh hồn của hệ thống. Bởi việc cập nhật chỉnh sửa theo thời gian thực giúp cho các thành viên trong nhóm có thể nhanh chóng nắm bắt nội dung thay đổi, kiểm soát tiến độ làm việc của từng người.

Nâng cao trình độ nghiên cứu cho học sinh, sinh viên

Theo giảng viên Phạm Xuân Lâm, hệ thống đã cho ra đời tính năng gợi ý các cấu trúc câu cả tiếng Anh và tiếng Việt cho từng phần sẽ hỗ trợ cho công việc này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Sau khi các phần được điền đầy đủ, hệ thống sẽ sinh ra bài nghiên cứu dạng .doc để mọi người có thể vào chỉnh sửa.

Tính năng chia sẻ bản đồ tư duy theo thời gian thực sẽ giúp nhóm nghiên cứu trao đổi và triển khai ý tưởng dễ dàng hơn, đồng thời cũng có cái nhìn trực quan về vấn đề cần giải quyết. Cùng với sự gợi ý bố cục, người mới có thể dễ dàng tiếp cận với dạng báo cáo nghiên cứu, cũng như các mẫu câu có sẵn trong từng phần của bài báo cáo, giúp giải quyết vấn đề khó khăn khi viết; đồng thời giảm đáng kể thời gian hoàn thành bài nghiên cứu.

Hệ thống iScholar đang có nhiều hướng tiềm năng để phát triển trở thành một ứng dụng đa chức năng. Một trong số đó là tính năng hỗ trợ nâng cao dựa vào công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên sẽ tự động bóc tách thành các phần cụ thể trong bố cục của một bài báo và đưa ra tỷ lệ phần trăm các lĩnh vực sẽ xuất hiện trong bài báo hoặc tạp chí, đồng thời hiển thị các chuyên gia có các lĩnh vực liên quan để gợi ý phản biện và hiển thị các bài nghiên cứu trong lĩnh vực đó. Đầu vào của hệ thống có thể là một đường dẫn, một file pdf hoặc có thể là file word của một bài nghiên cứu hoặc tạp chí.

Ngoài ra, trong quá trình khảo sát, nhóm thấy được việc phân tích kết quả khảo sát tương đối khó khăn đối với người làm nghiên cứu đặc biệt là sinh viên. Công cụ thường được sử dụng ở đây thường chỉ là excel ngoài ra số ít là SPSS. Hệ thống trong tương lai sẽ hướng tới giải quyết vấn đề này bằng cách tích hợp công cụ phân tích giúp cho người làm nghiên cứu có thể chạy mô hình và phân tích dữ liệu ngay trên hệ thống mà không cần thông qua các ứng dụng khác.

Đối với các biên tập viên hoặc tòa soạn báo, sau khi hệ thống đưa ra được tỷ lệ phần trăm các lĩnh vực xuất hiện trong bài báo, các biên tập viên hoặc tòa soạn sẽ vừa dễ dàng hơn trong việc phân loại lĩnh vực của các bài báo, vừa dễ dàng hơn trong việc yêu cầu đăng hay tìm chuyên gia phản biện cho lĩnh vực đó, từ đó tăng năng suất công việc.

“Viết báo cáo nghiên cứu chưa bao giờ là một công việc dễ dàng đặc biệt với những người mới tiếp cận và tiến hành nghiên cứu. Không chỉ vậy có rất nhiều ý tưởng tốt, có tính sáng tạo và ứng dụng cao nhưng khi gửi bài cho các tạp chí chỉ vì không viết đúng form mà bị trả lại bài đặc biệt với các tạp chí quốc tế. Con số cho những bài báo bị trả lại không hề nhỏ”, giảng viên Phạm Xuân Lâm lưu ý.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công cụ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu