Để xây dựng nhà ở cho công nhân, khó khăn nhất là vốn. Vậy nguồn vốn này Tổng LĐLĐ huy động từ đâu, thưa ông?
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 09c/NQ-BCH về điều chính giảm tỷ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ đoàn viên, công nhân, lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng LĐLĐ, từ đó lấy nguồn đó làm nhà ở cho công nhân.
Năm 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 3 quỹ từ quỹ kết dư của năm dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có nhà ở cho công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng được khoảng chục khu nhà ở cho công nhân.
Vậy từ thực tế xây dựng mô hình nhà ở cho công nhân thuê tại Hà Nam, về phía Tổng LĐLĐ có kiến nghị gì về tiêu chuẩn và nguồn lực cho xây dựng nhà xã hội cho công nhân thuê, thưa ông?
Giá thuê nhà, chúng tôi tính đủ tính đúng theo quy định pháp luật Việt Nam. Trong tổng thể dự án có xây dựng nhà ở và nhà đa năng, khu thể thao…. Chúng tôi không tính các khu thương mại dịch vụ, nhà trẻ, khu thể thao. Tổng LĐLĐ sẽ tính giá trong khu nhà ở nên giá thuê rẻ. Như mô hình ở Hà Nam, giá thuê khoảng 1 triệu đồng/căn hộ 40 m2. Giá thuê rẻ hơn khoảng 30—40%. Tuy nhiên, tiện ích sống đầy đủ hơn và có đầy đủ khu vui chơi giải trí.
Giá rẻ một phần do vốn của Tổng LĐLĐ không phải đi vay nên có ưu đãi cho người lao động. Việc thu hồi trong 10-20 năm tùy theo mức độ công trình.
Về diện tích thì chúng tôi đề xuất diện tích tính từ 8m2 lên 10m2/người để cho phù hợp với thực tế.
Với mô hình nhà xã hội, công nhân cũng lo ngại về vấn đề chất lượng công trình và bảo trì, Tổng LĐLĐ đã tính đến phương án này chưa, thưa ông?
Theo quy định, chúng tôi phải trích ra 2% để bảo trì và đây là tài sản của Tổng LĐLĐ. Theo tôi, quan trọng là cơ chế quản lý khu nhà ở xã hội phải rõ ràng và minh bạch. Nếu có sự cố gì trong quá trình sử dụng, chỉ sau khoảng 30 phút tiếp nhận thông tin, đơn vị vận hành phải đến xử lý.
Xin trân trọng cám ơn ông!