Trong lĩnh vực giáo dục toán học, Kumon của Nhật Bản là một trong những công ty lớn nhất toàn cầu. Trước đại dịch, với mô hình chủ yếu là các trung tâm truyền thống, Kumon có hơn 4 triệu học sinh đăng ký học tại hơn 25 nghìn trung tâm học tập. Tuy nhiên, lợi thế mà Cuemath có là khả năng tiếp cận kỹ thuật số.
“Mặc dù ở Ấn Độ chúng tôi có sự kết hợp giữa các lớp học trực tuyến và trực tiếp, nhưng trên toàn cầu, đây hoàn toàn là lớp học ảo. Điều đó mang lại cho chúng tôi lợi thế trong việc tiếp cận học sinh, chúng tôi có thể dạy 1:1 và 1:20, tùy thuộc vào nhu cầu của học sinh”, ông Sunder nói.
Ngoài ra, ông Sunder còn cho biết thêm, chương trình giảng dạy của Cuemath được công ty giáo dục đa quốc gia STEM.org có trụ sở tại Mỹ công nhận, giúp học sinh đạt kết quả học tập rất tốt và đồng thời là đối tác của Google for Education… Tất cả những điều này mang lại cho Cuemath mức tín nhiệm rất lớn.
Ông Sunder nói rằng mục tiêu của Cuemath là trở thành công ty tốt nhất, thay vì lớn nhất thế giới. Ông giải thích, nếu trong quá trình trở thành tốt nhất, công ty trở thành lớn nhất, hãy cứ để mọi việc diễn ra. Tuy nhiên, trở thành lớn nhất không phải là mục tiêu cuối cùng của công ty, bởi vì nếu bạn đặt mục tiêu như vậy, bạn phải dồn các nguồn lực vào đó. Nếu thất bại, điều này sẽ dẫn đến việc cắt giảm chi phí và sa thải nhân viên.
Hiện tại, Cuemath sử dụng các giáo viên từ Ấn Độ để giảng dạy cho học sinh nước ngoài. Toán học là một nhu cầu phổ quát và giáo trình cũng ít nhiều giống nhau ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, ông Sunder tin rằng, chính giáo viên tại Cuemath đã mang lại lợi thế cho môn Toán. Giọng Ấn Độ khá trung tính và người Ấn Độ được coi là có kỹ năng toán học tốt. Theo ông Sunder, ở nhiều quốc gia, người ta coi được một người Ấn Độ dạy là một điều tích cực.
Ngoài ra, do có sự khác biệt về văn hóa giữa người Ấn Độ và người nước ngoài nên để giáo viên đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh các nước cùng phụ huynh của họ. Giáo viên không ngừng được đào tạo về giao tiếp, văn hóa và các kỹ năng liên quan.
Trong lớp học trực tiếp, một giáo viên có thể dạy cùng lúc vài chục học sinh. Tuy nhiên, nhờ công nghệ giáo dục, giáo viên có thể dạy hàng trăm người. Liệu điều này có dẫn đến giáo viên bị mất việc làm hay không? Ông Sunder cho biết, ngược lại, công nghệ giáo dục sẽ dẫn đến nhiều công việc giảng dạy hơn được tạo ra.
“Cho dù bạn sử dụng bao nhiêu công nghệ, yếu tố đồng cảm và khuyến khích của con người vẫn rất cần thiết. Vai trò của một giáo viên có thể thay đổi, nhưng tầm quan trọng của giáo viên sẽ không giảm đi”, ông Sunder nói.
Theo Financial Express