Dự thảo nghị định trên cũng đề xuất mỗi dây chuyền chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm (thay vì ba như hiện nay) để khai thác tối đa năng lực các đơn vị đăng kiểm. Thực tế, nhiều trung tâm chỉ có 1-2 đăng kiểm viên nên toàn bộ dây chuyền phải đóng, gây lãng phí.
Nghị định cũng được sửa theo hướng các dây chuyền được kiểm định không giới hạn công suất. Quy định hiện hành yêu cầu một dây chuyền loại I kiểm định không quá 90 xe, dây chuyền loại II không quá 70 xe/ngày.
Dự thảo nghị định cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô (3S, 4S) có trang thiết bị, nhân lực đáp ứng quy chuẩn được phép kiểm định ô tô hay đăng kiểm của quân đội, công an được tham gia khi cần trưng dụng.
Một chuyên gia trong ngành giao thông khẳng định ủng hộ những đề xuất mang tính “cởi mở” của Cục Đăng kiểm. Vì quy định hiện hành của lĩnh vực này đang hướng đến việc “phục vụ mình là chính” thay vì hướng đến “phục vụ người dân và xã hội”.
Tuy nhiên đi đôi với các chính sách trên, vị chuyên gia này cho rằng cần có những chế tài nghiêm khắc trong lĩnh vực đăng kiểm. Chẳng hạn xe ra đường mà tai nạn giao thông, nếu cơ quan chức năng xác định lỗi do đăng kiểm hoặc nhà sản xuất xe gây ra thì phải chế tài thật nghiêm.
“Hiện nay chúng ta đang bỏ trống khâu này, nên chưa gắn trách nhiệm đăng kiểm xe đối với nhân viên đăng kiểm, từ đó mới nảy sinh ra nhiều vấn đề trong lĩnh vực đăng kiểm như thời gian vừa qua…”- vị chuyên gia này cho hay.