Theo chia sẻ của bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM), tính đến cuối năm học 2021-2022, địa phương này có 465 trường mầm non công lập, 844 trường dân lập, tư thục và 1.582 nhóm lớp độc lập. Đầu năm 2022, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và ban hành quyết định công nhận xã phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo quy định. Đồng thời triển khai cập nhập số liệu trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.
Công tác huy động trẻ đến trường, lớp được thực hiện thường xuyên, liên tục với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể. Việc tuyên truyền đẩy mạnh sâu rộng đến từng khu phố, tổ dân phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ trẻ hay người chăm sóc đưa trẻ đến trường. “Năm 2021, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,5%; tỉ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,8% và tỉ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 99,7%. Kết quả 312 phường xã trên địa bàn TPHCM đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi”, bà Điệp cho biết.
Theo cô Lê Kim Tuyền, hiệu trưởng Trường mầm non An Phú (xã an Phú, huyện Củ Chi), trong những năm qua, công tác huy động trẻ ra lớp thuận lợi, 100% trẻ 5 tuổi trên địa bàn xã An Phú đều đến trường. Bởi các bậc phụ huynh có trẻ ở lứa tuổi này đều mong muốn con mình được đến trường, để có nền tảng lên lớp 1.
“Hàng năm nhà trường đều phối hợp với cán bộ xã An Phú để rà soát danh sách trẻ em trên địa bàn. Đối với trẻ 5 tuổi nếu chưa ra lớp sẽ đến tuyên truyền, vận động đến trường. Với những trẻ ở địa phương mà học nơi khác thì vẫn được liệt kê trong phần mềm phổ cập. Căn cứ vào đó nhà trường sẽ xác minh trẻ đã đến học đó hay chưa. Tất cả với nỗ lực 100% trẻ 5 tuổi trên địa bàn được đến trường”, cô Tuyên nói.
Phát huy kết quả đã đạt được, các trường mầm non trên địa bàn TPHCM tiếp tục triển khai, duy trì các hoạt động đổi mới phương pháp giáo dục, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đặc biệt là đối với trẻ 5 tuổi. Từ đó từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, hoạt động của trẻ để chất lượng giáo dục mầm non năm học sau luôn cao hơn năm học trước, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và nhận thức.
Giáo viên Trường mầm non Thạnh An hướng dẫn trẻ học bài. |
Bà Lương Thị Hồng Điệp cho hay, năm học 2022-2023, ngành giáo dục mầm non đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng đến nhiệm vụ duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1; hướng đến triển khai thực hiện thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Ngành sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi nhằm nâng cao chất lượng và tăng tỉ lệ huy động trẻ đến trường, lớp.
“Chúng tôi đã chỉ đạo rà soát, cập nhập đầy đủ số liệu, thực hiện báo cáo, khai thác dữ liệu phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi trên hệ thống thông tin điện tử phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. So sánh số liệu trẻ em giữa báo cáo thống kê và báo cáo phổ cập để đảm bảo chính tính chính xác.
Thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách hỗ trợ đối với trẻ em là con công nhân, người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp theo nghị quyết 27 năm 2021 của HĐND TPHCM về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên các lớp mẫu giáo 5 tuổi, đồng thời tăng tỉ lệ trẻ 5 tuổi học bán trú ở các huyện ngoại thành,…”, bà Điệp cho hay
Trong những năm qua, cùng với việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, Trường mầm non Thạnh An (huyện Cần Giờ) luôn nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Bích Hồng Thắm, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhận thức được tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục mầm non, các giáo viên và ban giám hiệu nhà trường luôn cố gắng, quyết tâm thay đổi. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo đảm an toàn cho trẻ đã được thực hiện tốt. Hàng năm UBND xã Thạnh An triển khai đến các trưởng ấp để vận động trẻ ở ra lớp. Đặc biệt, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tiếp tục được củng cố vững chắc, duy trì hiệu quả".
“Những năm qua, kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã đạt được nhiều thành tựu. Đó là tiền đề, là động lực để nhà trường hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn”, cô Thắm cho hay.