Ngày cưới của ông Tạ Ngọc Ái với bà Diêm Thị Ninh cũng là thời điểm cuối cùng ông Ái và ông Đa gặp nhau, sau đó họ mất liên lạc.
“Sau 48 năm, vừa rồi bác ấy và con trai có đi tìm về quê bố tôi ở Châu Minh, Hiệp Hoà, Bắc Giang, và có gặp người họ hàng. Họ cho bác ấy số điện thoại của bố tôi nhưng chưa gặp được vì nhà tôi ở cách quê của bố khoảng gần 20km, hôm đó bố tôi có việc bận đi đâu nên cũng không ở nhà. Bố tôi hẹn sẽ đến nhà bác ấy tại Tiên Du, Bắc Ninh.
Hôm nay, tôi đưa bố đến gặp bác ấy mà thật sự xúc động khi hai người lính cụ Hồ, hai thương binh nặng gặp nhau, thấy nhau là họ khóc như những đứa trẻ. Cuộc hội ngộ quá tuyệt vời khi cả gia đình bác ấy đón tiếp. Các con bác ấy cũng khóc như mưa luôn” - anh Cường kể lại.
Hai người lính cùng gia đình mải miết ôn lại những kỷ niệm, tới lúc ăn cơm rồi mà họ vẫn sụt sịt, nghẹn ngào.
Anh Cường cho biết: "Điều đặc biệt ở chỗ vì sao bác ấy biết mà tìm về quê bố tôi? Vì bác ấy còn giữ cuốn sổ tay khi chiến tranh, các anh lính đã viết tên và địa chỉ quê quán của mình vào cuốn sổ đó. Bác ấy đã giữ cuốn sổ suốt 50 năm. Tôi nghĩ đây là một kỷ vật có giá trị lịch sử. Cuốn sổ bác Đa giữ có khoảng 10 chiến sĩ viết tên và địa chỉ".
"Tôi và con trai bác Đa lên kế hoạch đi tìm những người còn lại, nếu may mắn họ còn sống thì cũng đã gần 80 tuổi rồi, để những người đồng đội của bố tôi còn kịp thời gian được gặp lại nhau ôn lại những ngày tháng chiến đấu anh dũng.
Còn nếu không may họ đã qua đời, thì những người con như chúng tôi, sẽ tới thắp hương và tưởng nhớ họ" - anh Cường bộc bạch tâm nguyện của mình cũng như của bố anh và bác Đa - những người lính đã tìm thấy nhau sau 50 năm đằng đẵng của đời người.