Giáo dục liêm chính

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố trong vụ án tại TP.HCM

Thu Anh 27/04/2024 13:29

(GDTĐ) - Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố 2 tội danh trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC), Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

nguyen-thi-thanh-nhan.png
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh: Internet

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 14 bị can về các tội “Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC), Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc AIC), Trần Đăng Tấn (Trưởng văn phòng đại diện Công ty AIC tại TP.HCM) bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Dương Hoa Xô (nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở NN-PTNT TP.HCM) bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”.

Cố ý làm trái quy định pháp luật

Theo kết luận điều tra, thông qua các mối quan hệ, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thỏa thuận, thống nhất với bị can Dương Hoa Xô cho AIC thực hiện các gói thầu dự án 12 phòng thí nghiệm, thông đồng nâng giá để hưởng lợi 40% giá trị gói thầu.

Bị can Xô thừa nhận hành vi thỏa thuận, thông đồng nâng giá, tiết lộ danh mục thiết bị trước đấu thầu, thông đồng lập Hồ sơ mời thầu tạo điều kiện cho Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng thầu là vi phạm pháp luật.

Kết luận điều tra cũng nêu rõ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn chỉ đạo thiết lập các công ty “quân xanh” để AIC - Việt Á trúng thầu, tránh hủy thầu. Sau đó, các cá nhân này thông đồng với công ty tư vấn, tư vấn lập hồ sơ mời thầu theo hướng có lợi cho Công ty AIC hoặc công ty do AIC chỉ định.

Từ đó, đã giúp cho Công ty AIC và Công ty Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) trúng 6 gói thầu và các công ty do AIC chỉ định, gồm Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á, Công ty Vimedimex trúng 3 gói thầu.

CQĐT xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã cùng các bị can thông đồng, nâng giá gói thầu, gian lận, cố ý làm trái quy định pháp luật để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu, gây thiệt hại gần 95 tỉ đồng.

Chi tiền theo “cơ chế” hoặc “ngoại giao”

Theo kết luận Nhàn là người trực tiếp điều hành, chỉ đạo ban Thư ký tài chính Công ty AIC, quyết định phê duyệt, chi tiền theo “cơ chế” hoặc “ngoại giao” cho ông Xô. Trước khi đấu thầu, Nhàn đã gặp và đề nghị ông Xô tạo điều kiện cho AIC trúng thầu và sẽ chi tiền cảm ơn.

Sau khi đấu thầu các gói thầu từ năm 2015 – 2018, Nhàn đã chỉ đạo Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn 6 lần đưa tiền cho Dương Hoa Xô với tổng số tiền là 14,4 tỉ đồng.

Cụ thể, lần 1 vào khoảng tháng 11.2016 (sau khi Công ty AIC được tạm ứng, thanh toán các gói thầu giai đoạn 1), Trần Mạnh Hà và Trần Đăng Tấn đến phòng làm việc riêng của Xô và nói: “Chị Nhàn gửi lời cảm ơn anh đã quan tâm, tạo điều kiện cho AIC, chị Nhàn thay mặt công ty gửi anh quà cảm ơn”.

Sau khi nói chuyện, Hà đưa cho Xô túi giấy đựng quà và nói “Công ty gửi anh tiền cảm ơn”. Lúc ông Xô kiểm tra thì thấy trong túi có 2,5 tỉ đồng.

Lần 2 vào khoảng tháng 1.2017, Hà đưa tiền “cảm ơn” cho Xô 3,9 tỉ đồng cũng tại phòng làm việc riêng của ông Xô ở Trung tâm Công nghệ sinh học.

3 tháng sau, Trần Đăng Tấn đến gặp Xô để đưa tiền “cảm ơn” do “chị Nhàn và anh Hà đều bận nên cử đi”. Sau khi Tấn về, Xô kiểm tra thì thấy trong túi có 2 tỉ đồng.

Ở 3 lần tiếp theo đều rơi vào năm 2019, Tấn đều đến phòng làm việc của ông Xô để nói chuyện, hỏi thăm xã giao, và đưa túi quà do “công ty có gửi anh tiền cảm ơn vì tạo điều kiện cho công ty trúng thầu giai đoạn 2”, số tiền này rơi vào 2 tỉ đồng/lần.

Như vậy, CQĐT kết luận số tiền Xô nhận là 14,4 tỉ đồng đều tại phòng làm việc riêng, khi đưa không có ai khác ngoài Hà và Tấn. Trong đó, Hà trực tiếp đưa cho Xô 2 lần với số tiền 6,4 tỉ đồng; Tấn trực tiếp đưa 4 lần với số tiền 8 tỉ đồng.

Số tiền này, bị can Xô chi cho Phó giám đốc Sở KH-ĐT Trần Bình Minh 1 tỉ đồng, chi cho Nguyễn Đăng Quân (Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học) 950 triệu đồng, rải rác từ 2016 – 2019; chi cho Nguyễn Viết Thạch 1,1 tỉ đồng để Thạch chi bồi dưỡng các nhân viên Trung tâm Công nghệ sinh học và chi ngoại giao.

Còn lại 11,35 tỉ đồng, Xô đã sử dụng chi tiêu cá nhân. CQĐT kết luận bị can Xô đã động viên gia đình nộp lại toàn bộ số tiền này.

Hiện bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn, đang bị truy nã. Tuy nhiên, CQĐT cho rằng từ những tài liệu thu thập được cùng với lời khai của những người liên quan, đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của bà Nhàn cùng cấp dưới.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn liên quan đến nhiều vụ án

Ngoài vụ án nói trên, đầu năm 2023, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Thanh Nhàn 30 năm tù trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu, Đưa - Nhận hối lộ” xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Đây là vụ án đầu tiên mà bà Nhàn bị điều tra và đưa ra xét xử vắng mặt.

Cuối tháng 10.2023, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy ra tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh.

Cuối năm 2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam đối với 9 bị can trong vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT-TT. Trong vụ án này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC, hiện đang bị truy nã) cùng 8 bị can khác bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã bị can, đồng thời đề nghị bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo đúng quy định của pháp luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố trong vụ án tại TP.HCM